Một khoảnh khắc đời với Báo Hà Tuyên (những năm 1981-1984)

- Sau 3 tháng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tháng 12-1980, tôi nhập ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và, sau khi huấn luyện tại B1-C3-D2-E826-F354 Quân khu Thủ đô, 21-3-1981, về nhận nhiệm vụ giảng dạy ở Trường Văn hoá Quân khu 2, tại km5, xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn, Hà Tuyên.

Ts Nhị Lê (ngồi giữa) trong chương trình Gala Dấu ấn 2024 của Báo Tuyên Quang tối 28-12-2024.

Và, như Giời xui khiến, tôi tới với Báo Hà Tuyên (đồng thời với Văn nghệ Hà Tuyên cùng Báo Chiến sĩ Tây Bắc) dù là những cuộc kỳ duyên nhưng dường như số phận được hẹn trước! Thế là “dan díu” cùng nhau, từ thuở mới 22 tóc xanh đằng đẵng với Báo, hơn 43 năm cho tới tận ngày này, khi tóc đã hơn mây trắng bay!

Khởi duyên nhau từ một bài thơ!

Tháng 10-1981, thu chớm lạnh, trên đường từ lớp 9B - Đại đội 3 về, ngửa cổ nhìn đàn cà kếu giăng ngang giời từ phía Bắc xuôi xuống phương Nam lánh rét, bớt chợt tôi rút cây bút chì 2B (chì rất mềm, để không phải dùng bút mực phiền phức khi ghi chép vụn) và viết nhanh mặt trong  mảnh vỏ bao thuốc lá “Sông Cầu” nhàu nát phất phơ trên cỏ sân bay Tuyên Quang: Nơi có những đàn chim di cư.

Đọc báo Hà Tuyên, biết có cuộc thi viết về đề tài lâm nghiệp. Hưởng ứng, tôi gửi Báo. Và, rất nhanh, ngày cuối tháng 10-1981, Báo Hà Tuyên đăng nó, với bút danh Duệ Trần Đảng.

Tôi tìm lên Báo! Chú Vũ Hoàng Bào, Thư ký Toà soạn, tiếp và cứ ngạc nhiên về chàng bộ đội đeo quân hàm Binh nhất, cả gan viết về chim di cư! Chú nói,  nhà thơ Đoàn Thị Ký biên tập bài thơ này. (Tháng 8-1982, nó được Chú Ma Văn Hiệu, Phó Chủ tịch Ủ ban Nhân dân tỉnh gắn giải B (không có giải A) cho anh bộ đội đeo quân hàm hạ sĩ, tuổi bé nhất, khi tổng kết cuộc thi, với giá trị giải thưởng là cái giường khuôn khổ 1,4m X 2,1m, kiểu Đức, gỗ nhóm 4. Và, tôi kỳ cạch mang nó về tận Hưng Yên, cung kính tặng Mẹ tôi).

Rồi, Chú thắc mắc về cái bút danh họ Duệ mà tôi mang (không có trong bách tộc nước Nam), và mời tôi viết tiếp cho Báo. Sẵn vui, tôi khua đám chữ, sau khi tan ca gác đêm tháng 11, và ra cái tuỳ bút: Thần thái Xuân, và Báo đăng trên số Tết năm 1981.

Ts. Nhị Lê (ngoài cùng bên trái) với Ban Biên tập Báo Tuyên Quang.

Tháng 10-1982, tôi ngược Hà Giang và tới nhận nhiệm vụ tại Cơ quan Chủ nhiệm Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tuyên. Ở đây, do nhiệm vụ, được đi nhiều các bản, làm việc với các xã vùng cao, tôi lấy số liệu, viết loạt về  các nơi này và Báo rải đăng các năm 1982, 1983. Tôi nhớ, chẳng hạn từ bài Rừng - Nước - Lúa: Thực tiễn và khả năng kết hợp nông - lâm nghiệp ở Bạch Đích tới bài Từ thực tiễn phát triển nông - lâm nghiệp ở một huyện vùng cao: Quản Bạ…  vừa như là đáp nghĩa các nơi này vừa như là tự khám phá bản thân vậy. Rồi thơ ca, tuỳ bút, bút ký… đủ cả về Hà Tuyên trên Báo Hà Tuyên và trên Chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam bấy giờ!

Đầu năm 1983, tôi xuống công tác tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên đường ngược về đơn vị, tôi ghé thăm Báo. Chú Phí Văn Tường, Tổng Biên tập Báo, hỏi tôi khi nào xuất ngũ? Tôi đáp: -Chiến sự có nguy cơ ngày càng ác liệt thế này, chắc xong cuộc chiến, cháu mới giải ngũ. Chú kể, tuần trước, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Chú Nguyễn Văn Đức, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, tay cầm 2 kỳ báo đăng bài của Duệ Trần Đảng, chủ trì. Vừa ngồi xuống và nói ngay, Anh Tường có biết anh Bộ đội Duệ Trần Đảng, ở hòm thư 2A-4310, Hà Tuyên, viết bài về Quản Bạ của ta không? Chú chưa kịp trả lời, thì Bí thư hỏi tiếp luôn: -Anh có thể đi mời đồng chí Bộ đội này chuyển về công tác tại Báo ta không? Viết báo thế này thì mới giúp cho Tỉnh uỷ nắm chắc thêm tình hình và cung cấp thêm kinh nghiệm từ thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo tốt chứ!

Tôi nghe Chú Tường kể mà chỉ cười: - Đơn vị cháu không cho đi đâu!

Sông nào cũng có nguồn. Cây nào cũng có gốc.

Tôi làm báo chuyên nghiệp trọn đời sau này ở Tạp chí Cộng sản, bắt đầu từ nguồn, từ gốc Hà Tuyên, mà Giời Đất gieo duyên khởi từ mảnh đất xứ Tuyên.

Lá nào cũng về cội! Nước nào cũng nhớ nguồn!

Xin gửi giọt nước mắt vui buồn nghề báo cảm kích tan vào Mẹ Sông Lô và tặng bóng chiếc lá đầu tiên về cội sum suê cây cổ thụ Báo Tuyên Quang, năm nay tròn 60 Mùa Xuân! 

Hơn 43 năm sau ấy, đang trôi xa…

Một đàn chữ bé con con của người lính 22 tuổi độ ấy vẫn âm thầm chắt chiu sự vằng vặc và toả sáng của tâm hồn Tuyên đã ám ảnh, đã ngự trị và đang dẫn lối tiếp muôn mai dằng dặc Một Cõi Người – Một Nghiệp Bút - Một Nghiệp Binh!  

31-12-2024

TS. Nhị Lê
(Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)

Tin cùng chuyên mục