Cửa phân làn thông minh “made in Vietnam”
Kiểm soát người ra vào tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy… mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp bảo đảm an ninh, tài sản và những thông tin quan trọng, các đơn vị còn dùng để chấm công, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống này, loại thì mới chỉ dừng lại ở mức độ thủ công, vẫn cần người giám sát tại chỗ; loại có thể đóng mở tự động, nhưng kết cấu chưa được tối ưu, mới chỉ xác định danh tính thành viên, lưu trữ lịch sử ra vào, chưa có hệ thống quản lý, xử lý dữ liệu.
Với mong muốn khắc phục những hạn chế này, nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên: Nguyễn Huy Hoàng (K62), Nguyễn Xuân Hậu (K63), Nguyễn Hoàng Vũ (K64), Ngô Anh Tuấn (K64) và Vũ Hữu Nghĩa (K64) và thầy giáo hướng dẫn - Tiến sĩ Trương Đức Phức, Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và phát triển hệ thống cửa phân làn thông minh toàn diện hơn so với hệ thống cửa thông thường trên thị trường.
Theo Trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoàng, cửa phân làn thông minh Smart Gate do nhóm thiết kế có các tính năng: Giảm thời gian chờ cửa mỗi lần đóng mở; thiết kế tối ưu để giảm giá thành sản xuất; hệ thống nhận diện nhanh chóng, tiện lợi; tích hợp hệ thống trang web quản lý, phân tích, xử lý thông tin người ra - vào.
Cấu tạo của hệ thống gồm 2 phần: Phần cơ khí và phần điều khiển. Được giao nhiệm vụ xử lý cơ sở dữ liệu vào - ra của hệ thống, sinh viên Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ, hệ thống cửa phân làn thông minh có nguyên lý hoạt động đơn giản. Cửa lấy thông tin từ cơ sở dữ liệu và so sánh với thông tin của người ra - vào. Nếu thông tin này trùng khớp, cửa sẽ mở và ngay lúc đó, thông tin của người ra - vào sẽ được đưa ngược lên cơ sở dữ liệu để phân tích và xử lý.
Hệ thống sẽ tiếp nhận dữ liệu và cập nhật lên cơ sở dữ liệu qua 4 mục: Đăng ký thành viên mới; hiển thị lịch sử ra - vào; danh sách thành viên; chất lượng, năng suất của nhân viên. Nhà quản lý có thể dựa vào dữ liệu ra - vào của nhân viên, đưa ra các thống kê về thời gian làm việc, thời gian đi muộn, về sớm, thời gian nghỉ, từ đó có đánh giá về lương, thưởng… Với tính năng này, hệ thống có thể thay thế hoàn toàn máy chấm công thủ công hiện nay.
Trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoàng thông tin thêm, tính năng đóng chậm - mở nhanh, giúp giảm thời gian chờ của mỗi lần mở cửa (tiết kiệm 0,5s so với hệ thống thông thường). Điều quý giá hơn cả, giữa các sản phẩm cửa thông minh nhập ngoại, cửa phân làn Smart Gate là sản phẩm “made in Vietnam”.
Đánh giá về sản phẩm, Tiến sĩ Trương Đức Phức cho biết, Smart Gate có sự tích hợp cơ khí với công nghệ IoT (Internet vạn vật), điều khiển thông minh. “Đây là bước đầu để các em dấn thân hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm....”, Tiến sĩ Trương Đức Phức nói.
Mục tiêu thương mại hóa sản phẩm
Theo thành viên Nguyễn Xuân Hậu, Smart Gate đem lại những lợi ích lớn cho người sử dụng và lãnh đạo các đơn vị, như: Dễ dàng theo dõi thông tin người ra - vào, năng suất làm việc của nhân viên, tiết kiệm thời gian di chuyển, tăng độ bảo mật với tính năng nhận diện khuôn mặt có thể tránh được tình trạng mượn thẻ, ra - vào trái phép. Nhóm tự tin cạnh tranh sản phẩm của mình với các loại cửa thông minh khác trên thị trường ở tính năng ưu việt, tiết kiệm vật liệu và công suất, giá thành chỉ bằng khoảng 1/2.
Với những ưu thế đó, nhóm sinh viên phát triển Smart Gate rất kỳ vọng vào tiềm năng thương mại hóa sản phẩm. Trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thời gian tới, nhóm sẽ cải tiến, nâng cấp tính năng nhận diện của sản phẩm, có thể dùng khuôn mặt, thẻ từ, vân tay, quét QR code… để đa dạng hóa việc sử dụng cửa thông minh. Ngoài ra, nhóm cũng đánh giá kỹ sự ổn định của hệ thống để bảo đảm sản phẩm hoạt động đạt độ tin cậy.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sản phẩm “Hệ thống cửa phân làn thông minh Smart Gate” có tính mới, tính sáng tạo, tính liên ngành cao, có giá trị khoa học và thực tiễn. Sản phẩm đã đoạt giải Nhất sinh viên Bách khoa nghiên cứu khoa học và sáng tạo năm học 2021-2022 (phân ban kỹ thuật cơ khí). Sản phẩm có thể nghiên cứu ở hướng chuyên sâu cao hơn để ứng dụng trong thực tế và thương mại hóa.
Có thể thấy, sáng chế của nhóm sinh viên Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất hữu ích, thiết thực, thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới, để tạo ra sản phẩm, hướng đến phục vụ cộng đồng. Nếu thương mại hóa thành công, sản phẩm này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Gửi phản hồi
In bài viết