Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Ngày 13-8, tại cuộc họp báo của Cơ chế phối hợp Ngăn ngừa và Kiểm soát của Quốc vụ viện Trung Quốc, Vương Hoa Khánh - chuyên gia chính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - đã đưa ra những đánh giá về tình trạng lây nhiễm COVID-19 đối với trẻ em và những phản ứng tâm lý, thể trạng của trẻ em trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Chuyên gia Vương Hoa Khánh khẳng định, theo nghiên cứu mới nhất, trẻ em là lứa tuổi dễ nhiễm virus SARS-CoV-2. Không những vậy, trẻ em cũng là nhóm có sức đề kháng yếu, khó chống lại lại virus SARS-CoV-2.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Milan, Italia, khi lấy mẫu xét nghiệm của ca nhiễm COVID-19 là trẻ 8 tháng tuổi, các nhà khoa học phát hiện không chỉ trong dịch mũi mà trong huyết thanh của trẻ cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Triệu chứng bệnh của trẻ cũng ngày càng nặng theo sự phát triển của các loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó đã xuất hiện nhiều trẻ tử vong vì COVID-19.
Do đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với trẻ em là điều hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chuyên gia Vương Hoa Khánh cho rằng, trước, trong và sau khi tiêm chủng, ở trẻ em sẽ xuất hiện phản ứng cả về tâm lý và thể trạng.
Xét nghiệm nhanh COVID-19 cho trẻ em ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Về phản ứng tâm lý trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ xuất hiện tâm lý lo lắng, hồi hộp khi chứng kiến người khác tiêm. Mặc dù phản ứng tâm lý này không phải là phản ứng bất lợi, nhưng vì đang trong độ tuổi phát triển nên tâm lý thường dao động mạnh hơn. Trong khi đó, theo quy định, trước khi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhân viên y tế phải thông báo trung thực cho người được tiêm về chủng loại, tác dụng bảo vệ, chống chỉ định, mức độ an toàn, các lưu ý liên quan trong quá trình tiêm chủng của vaccine, đồng thời phải thăm hỏi tình hình sức khỏe, lịch sử bệnh tật của người chuẩn bị tiêm. Điều này sẽ làm tâm lý trẻ dao động mạnh hơn, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêm.
Do vậy, cha mẹ hoặc người giám hộ cần cùng trẻ đi tiêm vaccine để giúp trẻ hoàn thành các thủ tục liên quan, cung cấp thông tin về lịch sử bệnh tật của trẻ cho nhân viên y tế và quan trọng nhất là để ổn định tâm lý cho trẻ.
Theo chuyên gia Vương Hoa Khánh, phản ứng tâm lý trong quá trình tiêm chủng của trẻ là là phản ứng phi hữu cơ và có thể được ngăn chặn.
Chương trình tiêm chủng cho học sinh phổ thông tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Về phản ứng phụ, theo số liệu của nền tảng giám sát phản ứng phụ của vaccine ngừa COVID-19 quốc gia Trung Quốc, phản ứng phụ ở trẻ em không cao hơn những người thành niên trên 18 tuổi. Những phản ứng phụ này bao gồm cả phản ứng phụ thường gặp và phản ứng phụ bất thường.
Phản ứng phụ thường gặp ở trẻ em sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 là phản ứng phụ toàn thân như sốt và phản ứng phụ cục bộ như đau, sưng tấy tại vị trí tiêm. Phản ứng phụ bất thường bao gồm dị ứng, hiếm gặp hơn là xảy ra dị ứng phát ban nhưng các trường hợp phản ứng phụ bất thường thường có triệu chứng tương đối nhẹ.
Gửi phản hồi
In bài viết