Một số quốc gia châu Á ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 29-3, toàn thế giới đã ghi nhận 127.738.868 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 2.795.232 ca tử vong.

Philippines áp đặt các biện pháp giãn cách cao nhất ở thủ đô Manila nhằm ngăn chặn
sự lây lan của dịch Covid-19.

Châu Á

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận 9.475 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 9.000 ca mắc mới. Tổng số ca mắc tại nước này hiện là 721.892 ca, trong đó có 13.170 ca tử vong. Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhất trí áp đặt các biện pháp giãn cách ở mức cao nhất tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 29-3 đến ngày 4-4.

Ngày 28-3, Campuchia thông báo phát hiện 86 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.223 trường hợp. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 2 ca lên 10 ca. Để ứng phó với tình hình Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Lao động Campuchia quyết định gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại nước này cho đến hết tháng 5-2021.   

Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 4.083 ca nhiễm mới và 85 ca tử vong do Covid-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.496.085 ca nhiễm, trong đó số bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi là 40.449 ca. Dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Malaysia ghi nhận thêm 1.302 ca nhiễm mới, trong đó có 1.293 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 341.944 ca mắc Covid-19, trong đó 1.255 ca tử vong.

Trong cuộc họp báo ngày 28-3, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Ahmad Amzad Hashim cho biết hơn 1.400 trung tâm tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được thành lập trên cả nước trong giai đoạn 2 và 3 của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19, bao gồm các địa điểm tại một số bệnh viện và phòng khám tư nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 của Malaysia đã tiêm được vắc xin cho hơn 566.000 người và lịch trình tiêm sẽ được đẩy nhanh để có thể tạo miễn dịch cộng đồng trước khi kết thúc năm.

Thái Lan ghi nhận 77 ca mắc mới Covid-19 và thêm 1 ca tử vong. Trong tổng số ca mắc mới có 58 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó thủ đô Bangkok chiếm 32 ca và tỉnh Samut Sakhon chiếm 16 ca.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 28-3 công bố thêm 62.714 ca mắc mới trong 24 giờ qua, là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ giữa tháng 10-2020. Số ca tử vong tăng thêm 312 ca, mức cao nhất kể từ Giáng sinh. Đến nay, quốc gia Nam Á này có tổng cộng 11.971.624 ca mắc với 161.552 ca không qua khỏi.

Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng thành phố Mumbai Kishor Pednekar cho biết tỷ lệ dương tính với vi rút SARS-CoV-2 ghi nhận tại các tòa nhà dân cư cao tầng cao hơn so với các khu ổ chuột. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, lệnh giới nghiêm cần được áp đặt, trừ những dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động vào ban đêm. Các khách sạn, quán rượu và trung tâm mua sắm phải tuân thủ các quy định giới nghiêm ban đêm. Các khu dân cư có từ 5 trường hợp mắc Covid-19 trở lên tại Mumbai phải thực hiện phong tỏa.

Châu Âu

Bộ Y tế Ukraine thông báo số bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện ở nước này trong 24 giờ qua cao kỷ lục với 5.052 người. Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 11.932 ca mắc mới và 203 ca tử vong do Covid-19. Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov cho rằng tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi là do sự lây lan của biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh.

Nga cùng ngày ghi nhận 9.088 ca mắc mới, trong đó có 1.878 ca ở thủ đô Mátxcơva, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 4.519.832 ca. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi người dân nước này tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhằm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Châu Mỹ

Viện y sinh Butantan Dimas Covas của Brazil mới đây đã xin cấp phép thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 Butantan sản xuất trong nước. Thống đốc Sao Paulo Joao Doria cho biết, các cuộc thử nghiệm vắc xin sẽ được triển khai vào tháng 4 trong khi chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Theo kế hoạch, việc sản xuất hàng loạt sẽ diễn ra vào tháng 5 và sẵn sàng cung cấp 40 triệu liều trong tháng 7. Vắc xin sản xuất nội địa này sẽ được tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi được xuất khẩu sang các nước khác. Dự kiến, vắc xin này sẽ được cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp để giúp chống lại đại dịch.

 

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục