Thứ nhất, trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi đã thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói rằng, Nhân dân đã và đang được “thụ hưởng” đầy đủ những thành quả của công cuộc xây dựng đất nước, nhất là từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới. Đất nước đang phát triển nhanh và bền vững, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội cho người dân được quan tâm nâng cao. Nhờ vậy, “đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%... đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 65, 66). Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đã giúp Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất,
đời sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, người dân đã được “thụ hưởng” từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, chúng ta đều biết, các chủ trương, nghị quyết của Đảng luôn xuất phát từ thực tiễn và từ chính nhu cầu của Nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh, khi có chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân, phát huy tốt vai trò của Nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, thì các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ được sự tham gia hưởng ứng tích cực của Nhân dân, trở thành phong trào sâu rộng trong Nhân dân, dù cho quá trình thực hiện có khó khăn đến đâu các chủ trương, chính sách đó sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015 - 2020), cùng với việc quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ta đã có nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội huy động được sự tham gia của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó nổi bật là công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đã được sự tham gia sôi nổi của nhân dân ở các địa phương trong tỉnh. Ở đây người dân đã thật sự được “biết”, được “bàn”, được “làm”, được “kiểm tra”. Nhờ vậy, bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng (chiếm hơn 10% tổng kinh phí) để thực hiện kiên cố hóa được 1.004 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. Những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Như vậy, ở đây người dân không chỉ được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát mà còn được “thụ hưởng” những thành quả của mình qua việc chủ động tham gia thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà không trông chờ ỷ lại.
Như vậy, việc “thụ hưởng” của Nhân dân không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương chính sách chăm lo, đảm bảo cuộc sống của Nhân dân. “Thụ hưởng” còn được nâng lên thông qua sự chủ động của Nhân dân khi tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ở cơ sở. Do vậy, việc thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong giai đoạn tiếp theo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát huy vai trò chủ động, tích cực của Nhân dân tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết