Vụ không kích trại tị nạn ở Gaza gây thương vong lớn. (Ảnh REUTERS)
Trong chuyến thăm Rafah, cửa khẩu vào Gaza, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, đồng thời tái khẳng định lập trường của Cairo bác bỏ chính sách trừng phạt tập thể đối với người Palestine. Ông Madbouly khẳng định, Ai Cập thúc đẩy các nỗ lực ở mọi cấp độ để chấm dứt bạo lực.
Thúc giục chấm dứt “vòng xoáy chết chóc”
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đoàn kết và ủng hộ lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt “vòng xoáy chết chóc” ở Trung Ðông. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông Grandi đề nghị các bên liên quan vượt qua chia rẽ và sử dụng quyền hạn của mình để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.
Cơ quan Y tế ở dải Gaza do Hamas kiểm soát cho biết, ít nhất 50 người đã thiệt mạng sau khi Israel oanh tạc trại tị nạn Jabalia ở dải Gaza ngày 31/10. Liên đoàn Arab (AL), Jordan, Qatar phản ứng mạnh mẽ về vụ Israel không kích trại tị nạn Jabalia. Tổng Thư ký AL chỉ trích mạnh mẽ hành động này, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chấm dứt bạo lực tại dải Gaza.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phản đối xung đột leo thang giữa Phong trào Hamas và Israel. Bộ Ngoại giao Bolivia cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, đồng thời yêu cầu Israel ngừng phong tỏa Gaza bởi lệnh bao vây này làm gián đoạn nguồn cung điện, nước, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho người dân ở đây. Chính phủ Chile triệu hồi Ðại sứ tại Israel về nước để tham vấn sau chiến dịch quân sự của Israel vào dải Gaza.
Trong khi đó, Iran cảnh báo nguy cơ xung đột Hamas-Israel sẽ lan rộng hơn nếu hai bên không đạt được lệnh ngừng bắn. Bộ trưởng Ngoại giao Iran thực hiện chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1/11 để thảo luận về xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Cảnh báo về thảm họa y tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa y tế công cộng tại dải Gaza, trong bối cảnh người dân di dời hàng loạt và cơ sở hạ tầng cung cấp nước, dịch vụ vệ sinh bị hư hỏng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo về nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh tại đây do mất nước, khi nguồn cung cấp nước sinh hoạt chỉ ở mức 5% so với bình thường. Người phát ngôn của UNICEF nhận định, Gaza đã trở thành địa ngục đối với trẻ em tại vùng đất này.
Ai Cập tiến hành tiếp nhận những người Palestine bị thương từ dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah để điều trị y tế. Ngày 1/11, các đội y tế có mặt tại cửa khẩu Rafah để kiểm tra những trường hợp bị thương được đưa đến từ Gaza và xác định bệnh viện được chuyển tiếp để điều trị.
Bộ Y tế Jordan cho biết, nước này đã điều sáu xe tải chở thuốc men đến cho người Palestine qua cửa khẩu King Hussein Bridge giữa Jordan và khu Bờ Tây của Palestine. Chính phủ Jordan cũng thông báo Sáng kiến Trung tâm điều trị ung thư King Hussein, qua đó giúp điều trị trẻ em Gaza mắc ung thư. Ngoài ra, hai máy bay của Jordan mang theo vật liệu cứu trợ đã hạ cánh xuống Ai Cập. Hàng hóa cứu trợ sau đó được chuyển sang Gaza qua cửa khẩu Rafah.
Chính phủ Cộng hòa (CH) Síp xác nhận đang đàm phán với các bên ở Trung Ðông và Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất thiết lập hành lang viện trợ nhân đạo từ hòn đảo này đến Gaza. Giới chức CH Síp đánh giá ý tưởng nêu trên rất khả thi vì Síp gần Trung Ðông và có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.
Gửi phản hồi
In bài viết