Cũng như những người dân trong thôn Nà Chác, lúc mới lập gia đình, chị Thủy có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đất ít lại không có vốn nên cuộc sống nhiều khi đi vào bế tắc. Với suy nghĩ muốn thoát nghèo phải làm kinh tế, đầu năm 2018, chị vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang số tiền 20 triệu đồng đầu tư nuôi 2 con lợn nái, cải tạo chuồng trại để phát triển chăn nuôi theo hướng sinh sản và bán lợn thịt.
Làm kinh tế nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, chị Thủy cũng gặp khó khăn về dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi không đảm bảo. Quyết không bỏ cuộc, chị tập trung nghiên cứu sách vở, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ cán bộ khuyến nông và các hộ đi trước, sau 1 năm, đàn lợn nái từ 2 con nái ban đầu đã có trên 20 con, đến đầu năm 2019 đã tăng lên quy mô 5 con nái, 50 con lợn thịt mỗi lứa. Nhờ chủ động được con giống, nên mô hình chăn nuôi của gia đình chị Thủy từng bước có lãi theo cấp số nhân, mỗi năm xuất bán khoảng 6 tấn lợn, thu về trên 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Có vốn, chị bàn bạc cùng chồng dành 100 triệu đồng cải tạo 6 ha đất rừng hoang hóa trước đây chỉ mọc tre, nứa sang trồng cây sơn, cây keo. Sau 3 năm, cây sơn cho khai thác nhựa, chị Thủy lại tự mình đi tìm đầu ra cho sản phẩm tại các địa phương, tham khảo cách khai thác của các hộ dân tại tỉnh Phú Thọ. Cũng từ diện tích cây sơn, hàng năm gia đình cũng “bỏ túi” trên 100 triệu đồng. Đầu năm nay, vì lý do sức khỏe, chị Thủy đã lựa chọn bán toàn bộ diện tích cây sơn chuyển hẳn sang trồng cây mỡ theo quy trình, hợp tác bán gỗ chất lượng cao để làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Chị La Thị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Năng Khả nhận xét: không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế, chị Bàn Thị Thủy còn là hội viên tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao, tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua của Hội phụ nữ thôn, xã, giúp đỡ nhiều chị em về kỹ thuật và vốn sản xuất để làm kinh tế gia đình, chị Thủy làm tấm gương sáng, được các chị em phụ nữ tin tưởng, quý trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết