Cuộc gặp cấp cao trực tuyến Mỹ - EU ngày 26.3. Nguồn: Hội đồng Châu Âu
Sau 11 năm mới lại có tổng thống Mỹ tham dự hội nghị cấp cao của EU và cá nhân ông Biden không hề lạ điều ấy, bởi khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự hội nghị cấp cao của EU năm 2010 thì ông Biden là phó tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - tiền nhiệm của ông Biden - trong suốt nhiệm kỳ cầm quyền ở Mỹ không được EU mời tham dự hội nghị cấp cao. Ông Trump vốn không coi trọng EU và chủ trương xung khắc với EU chứ không thúc đẩy hợp tác với EU. Vì thế, từ giác độ tình cảm mà nói thì EU không muốn mời ông Trump tham dự hội nghị cấp cao, trong khi về lý trí mà suy tính thì EU biết rằng có mời thì ông Trump cũng không nhận lời.
Cho tới thời điểm hiện tại, ông Biden và cộng sự mới chỉ bộc lộ chủ ý khôi phục mối quan hệ hợp tác với EU, coi trọng EU, tuyên bố sẽ thúc đẩy hợp tác và tăng cường tham vấn lẫn nhau, mới chỉ chung chung vậy thôi chứ chưa thấy có hoạch định chính sách đường lối cụ thể đối với EU. Làm sống lại mối quan hệ hợp tác song phương này được ông Biden coi là một trong những biểu hiện đặc trưng nhất cho chủ ý đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới.
Từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến trước việc tham dự hội nghị cấp cao này của EU, ông Biden đã có nhiều quyết sách bao hàm cả mục đích tranh thủ EU, như đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước Paris của Liên Hợp Quốc về bảo vệ khí hậu trái đất và Tổ chức Y tế thế giới, lại hợp tác xây dựng trong Tổ chức thương mại thế giới, thoả thuận với Nga về gia hạn thời gian hiệu lực của Hiệp định New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân…
Ông Trump đẩy nước Mỹ vào cuộc xung khắc thương mại với EU thì ông Biden đã nhất trí với EU về tạm ngừng áp thuế quan bảo hộ thương mại liên quan đến chuyện hai bên cáo buộc lẫn nhau bù trợ cho hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhân dịp tới Châu Âu tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO đã có những tiếp xúc chính thức trực tiếp đầu tiên với giới chức lãnh đạo EU.
Những trình bày của ông Biden với các đối tác trong EU tại cuộc gặp cấp cao trực tuyến vừa rồi của EU gần như đều là những gì phía EU muốn được nghe từ phía Mỹ và thậm chí còn chờ đợi từ lâu. Ông Biden cam kết hợp tác với EU để cùng ứng phó dịch bệnh COVID-19 và để cùng giải quyết vấn đề cung ứng vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Đấy cũng chính là chủ đề nội dung được ưu tiên hàng đầu trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao này của EU.
Ông Biden tìm kiếm sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động với EU trong chính sách đối với Nga và Trung Quốc. Ông Biden như thể "gãi đúng chỗ ngứa" hiện tại của EU khi đề xướng tổ chức hội nghị cấp cao của thế giới về bảo vệ khí hậu trái đất và mời cả lãnh đạo Nga và Trung Quốc tham dự.
Lôi kéo EU cùng đối phó Nga và Trung Quốc là một trong những mục đích của ông Biden, nhưng gây áp lực buộc EU phải theo là định hướng hiện tại của ông Biden chừng nào chính quyền mới ở Mỹ chưa hoạch định xong xuôi chính sách đối với EU. Xem ra, quan hệ của Mỹ với EU hiện tại trong thực chất không được ông Biden dành cho ưu tiên hàng đầu về đối ngoại. Người này hiện chỉ tập trung vào việc làm cho EU tin rằng lại có thể tin cậy Mỹ để quan hệ song phương không xấu thêm đi, lo ngại từ phía EU về Mỹ được dần giảm bớt.
Ông Biden sẽ không làm sâu sắc thêm những mối bất hoà và xung khắc lợi ích lâu nay giữa Mỹ và EU, chẳng hạn như trong chuyện dự án hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hợp tác giữa một số thành viên EU với Nga, hay như trong chuyện giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Lý do đơn giản là ông Biden cần tập trung trước hết cho đối nội và cần yên bình về đối ngoại.
Phải thêm một thời gian không ngắn nữa mới sẽ biết chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với EU cụ thể như thế nào. Mọi dấu hiệu ở vào thời điểm hiện tại đều cho thấy mối quan hệ song phương nay đang có được sự khởi đầu thời kỳ mới.
Gửi phản hồi
In bài viết