Các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo "tạm ngừng" sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson.
Châu Mỹ
Ngày 13-4, các cơ quan y tế liên bang Mỹ khuyến cáo "tạm ngừng" sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson vì lý do "thận trọng", trong bối cảnh Mỹ đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa việc tiêm vắc xin này với tình trạng hình thành huyết khối của người được tiêm phòng.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đang tiến hành đánh giá "những dấu hiệu đáng lưu ý tiềm tàng" trong 6 ca tiêm phòng có xuất hiện huyết khối. FDA cho biết, trong khi chờ tiến trình này hoàn tất, coq quan này khuyến cáo "tạm ngừng" tiêm vắc xin của Johnson & Johnson.
Sau khuyến cáo trên, hãng Johnson & Johnson cho biết sẽ hoãn kế hoạch giao vắc xin ngừa Covid-19 cho châu Âu.
Liên quan đến việc tạm ngừng sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson, Nhà Trắng cùng ngày thông tin quyết định này không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng đại trà ở Mỹ.
Theo cơ quan đăng ký dân sự Brazil, Rio de Janeiro, thành phố đông dân thứ hai ở Brazil, đã có số ca tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 nhiều hơn số ca sinh trong tháng thứ sáu liên tiếp. Cụ thể, số ca tử vong nhiều hơn 16% so với số ca sinh ở Rio de Janeiro kể từ tháng 10 năm ngoái, với tổng số 36.437 ca tử vong và 32.060 ca sinh.
Châu Á
Bộ Y tế Campuchia ngày 13-4 xác nhận thêm 181 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Cũng giống như 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới được phát hiện nhiều nhất ở Phnom Penh (140 ca, gồm 139 người Campuchia và một người Pháp). Chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 2 tuần (tới ngày 28-4) do số ca mắc mới chưa có dấu hiệu giảm. Trong thời gian giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoạt động đi lại trong thành phố bị cấm, trừ các trường hợp có lý do gia đình, khám, chữa bệnh khẩn cấp, cấp cứu, cứu hỏa, công nhân nhà máy làm ca, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ.
Thái Lan thông báo ghi nhận 965 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó có 97 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tương tự, Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mông Cổ cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 885 ca nhiễm mới - mức cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 16.603 ca. Các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng và phần lớn ở thủ đô Ulan Bator. Mông Cổ đã áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc vào ngày 10-4 và kéo dài đến ngày 25-4.
Tại Nhật Bản, chính phủ có kế hoạch áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại tỉnh Aichi, nơi số ca nhiễm tăng trở lại. Ba tỉnh lân cận gồm Tokyo - Kanagawa, Chiba và Saitama cũng đang được cân nhắc áp dụng tình trạng bán khẩn cấp, theo đó có thể sẽ yêu cầu các nhà hàng và quán rượu đóng cửa sớm hơn.
Châu Âu
Ngày 13-4, Bộ Y tế Pháp cho biết, số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 5.916 người, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 385 ca tử vong, cao gấp đôi so với một ngày trước đó, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 99.135 ca. Nước này cũng thông báo có thêm 8.536 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên 5,07 triệu ca, tăng 4,84% so với con số thông báo cách đây một tuần. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Pháp tăng từ tháng 3 đến nay chủ yếu do biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil. Trong động thái nhằm ngăn dịch lây lan rộng thêm, ngày 13-4, Pháp thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Brazil cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Cùng ngày, chính phủ Đức đã đạt được nhất trí về luật quốc gia nhằm kiểm soát số ca mắc Covid-19, qua đó trao thêm quyền cho chính phủ liên bang về áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm khống chế dịch bệnh. Luật mới sẽ cho phép chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đóng cửa trường học, các cửa hàng không thiết yếu, các địa điểm văn hóa tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Trong khi đó, Nga cũng quyết định đình chỉ khai thác các tuyến đường bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và Tanzania trong 6 tuần do tình hình dịch tại hai nước này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng. Từ đầu tháng 3 đến nay, Nga ghi nhận nhiều ca mới là công dân Nga bị lây nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước.
Trong ngày 13-4, chính phủ Anh cũng thông báo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 1-4 đến nay với 3.568 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Anh cũng tăng lên 127.100 ca sau khi có thêm 13 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, ngày 12-4, Anh, một trong những nước có số ca tử vong cao nhất trên thế giới, đã lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nhiều tháng qua, cho phép các quán rượu và nhà hàng nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời. Anh hiện được đánh giá là một trong những nước triển khai thành công chương trình tiêm chủng. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa đã giúp giảm 95% số ca tử vong và 90% số ca nhiễm mới kể từ tháng 1.
Gửi phản hồi
In bài viết