Theo AP hôm nay (14-9), kể từ khi đảo chính xảy ra tại Niger hồi tháng 7 vừa qua, 1.100 binh sĩ Mỹ triển khai tại quốc gia này đã bị giới hạn hoạt động tại các căn cứ quân sự. Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo, một số nhân viên quân sự và tài sản đã được chuyển từ căn cứ không quân gần thủ đô Niamey đến một căn cứ khác ở thành phố Agadez, cách đó khoảng 920 km.
Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán với chính quyền quân sự Niger, quân đội Mỹ đã có thể tiếp tục thực hiện hoạt động chống khủng bố. Tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ khu vực châu Âu và châu Phi cho biết, một số nhiệm vụ tình báo và giám sát đã được tiến hành trở lại.
Binh sĩ làm nhiệm vụ tuần tra sau vụ đảo chính ở Niger. Ảnh: US Air Force
Niger hiện là “tiền đồn” chính đối với hoạt động chống khủng bố trong khu vực của quân đội Mỹ, với các cuộc tuần tra trên diện rộng bằng máy bay vũ trang không người lái và nhiều nhiệm vụ khác, nhằm mục đích chống lại các phong trào Hồi giáo cực đoan trong nhiều năm qua. Các căn cứ quân sự tại quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố tổng thể của Mỹ ở Tây Phi.
Theo thống kê của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), khu vực này đã ghi nhận hơn 1.800 vụ tấn công cực đoan chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, khiến gần 4.600 người thiệt mạng.
Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram hoạt động ở hai quốc gia láng giềng Nigeria và Chad, cùng một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda dọc biên giới Niger với Mali và Burkina Faso, gây nhiều mối đe dọa hơn đối với khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết