Nhiều người dân Afghanistan đang cần được tiếp cận các nguồn viện trợ nhân đạo để thoát khỏi khủng hoảng đói nghèo.
Theo tờ Washington Post, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi lực lượng Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng kinh tế đang gia tăng tại Afghanistan. Sau quyết định của Bộ Tài chính Mỹ về việc đóng băng gần 10 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối của Afghanistan được giữ ở New York và Ngân hàng Thế giới (WB), các ngân hàng tại Afghanistan đã hạn chế người dân rút tiền.
Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đã đình chỉ tài trợ cho các dự án ở Afghanistan. Trong khi đó, giá thực phẩm và hàng hóa tăng mạnh, nhiều quan chức chính phủ không được trả lương trong suốt nhiều tháng khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại diện của Afghanistan tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Liên đoàn Chữ thập đỏ cho biết, hệ thống y tế của Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ và đã kêu gọi tài trợ để tiếp tục hoạt động cho chương trình y tế của đất nước. Chiến tranh, hạn hán và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hơn một nửa dân số của quốc gia này đang phải sống dưới mức nghèo đói. Trong số 40 triệu dân, 14 triệu người Afghanistan đang bị rơi vào cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng.
Là một quốc gia nghèo lại chịu ảnh hưởng của chiến tranh và bất ổn trong suốt 40 năm qua, sự phát triển của Afghanistan chủ yếu phụ thuộc vào phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế. 80% ngân sách của chính phủ Afghanistan được tài trợ bởi Mỹ và các nhà tài trợ phương Tây khác. 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan đến từ viện trợ quốc tế. Kể từ năm 2001, hàng tỷ USD viện trợ đã đổ vào Afghanistan. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới về viện trợ chính thức mà Afghanistan nhận được từ năm 2001 đến nay đã lên tới hơn 77 tỷ USD.
Sau khi bị ngừng các khoản đầu tư, viện trợ nước ngoài và đóng băng tài khoản ngân hàng, nền kinh tế Afghanistan đứng bên bờ vực khủng hoảng. Giáo sư Tiến sĩ Khurshid Ahmed, Khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Peshawar, Pakistan nhận định, hơn 60% nền kinh tế của Afghanistan được “nuôi dưỡng” thông qua viện trợ nước ngoài hiện đã bị ngừng hoạt động. Điều này làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế xã hội của hàng triệu người dân Afghanistan. Nghèo đói dẫn đến bất công, mất cân bằng kinh tế xã hội, gây ảnh hưởng tới sự phát triển và ổn định ở quốc gia Tây Nam Á này.
Để tránh thảm họa xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ hôm 24-9 đã cấp hai giấy phép chung, một giấy phép cho phép chính phủ Mỹ, các tổ chức phi chính phủ và một số tổ chức quốc tế nhất định, bao gồm cả Liên hợp quốc, tham gia các giao dịch liên quan đến hỗ trợ nhân đạo với Taliban hoặc mạng lưới Haqqani. Giấy phép thứ hai cho phép một số giao dịch liên quan đến xuất khẩu và tái xuất khẩu thực phẩm, thuốc và các mặt hàng khác.
Ngày 26-9, Abdul Qahar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Chính phủ lâm thời Taliban đã hoan nghênh quyết định của Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời hy vọng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan.
Việc để Afghanistan bị bỏ rơi như đã từng xảy ra trong quá khứ, sẽ dẫn đến chênh lệch kinh tế, nghèo đói và làm suy yếu các nỗ lực hòa bình ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Do đó, động thái nối lại viện trợ nhân đạo cho Afghanistan của Mỹ được xem như “chiếc phao cứu sinh” giúp quốc gia Tây Nam Á này tránh một thảm họa xảy ra trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết