Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài tỉnh đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý văn hóa và báo chí trình bày các tham luận, đóng góp ý kiến đề cập đến nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển, tên gọi, chất liệu, quy trình và hình thức chế biến của món ăn Mỳ Quảng.
Một số tham luận đưa ra giả thuyết về quá trình giao thoa, tiếp biến với các nền văn hoá mà cư dân bản địa đã sáng tạo nên món ăn Mỳ Quảng mang bản sắc riêng với cách ăn, cách nấu dân dã, chân chất và giá trị đặc trưng riêng của vùng đất xứ Quảng. Các nhà khoa học, quản lý đều cho rằng, Mỳ Quảng mang đặc tính ẩm thực xứ Quảng, dân dã, dân chủ, tổng hợp, biện chứng, thích ứng, linh hoạt, linh niệm,…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, Quảng Nam là vùng đất có vị thế trong lịch sử dân tộc, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được cả nước và thế giới tôn vinh. Trong tổng thể các giá trị văn hóa đó, Mỳ Quảng là một dấu ấn đặc trưng của vùng đất, con người xứ Quảng. Nó không chỉ là món ngon đơn thuần, mà ở đó còn hội tụ đặc điểm thiên nhiên, tính cách, tâm lý con người Quảng Nam.
“Thông qua hội thảo này, Quảng Nam sẽ tìm được những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của mỳ Quảng, xác lập cơ sở dữ liệu, xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng trong hành trình khám phá, thưởng thức của du khách khi đến với Quảng Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh kỳ vọng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, hội thảo lần này nhằm khẳng định những nét độc đáo của món ăn mì Quảng; góp phần lưu giữ, phát huy những tri thức dân gian trong nghệ thuật chế biến, thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của người Quảng Nam. Từ những giá trị văn hóa đặc sắc của món ăn Mỳ Quảng góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, lịch sử của vùng đất, tiềm năng thế mạnh của ẩm thực xứ Quảng.
Qua hội thảo lần này, với sự phân tích, đánh giá, nhận diện chân xác của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa-lịch sử, ngành văn hóa sẽ có thêm cơ sở để bảo tồn và phát huy món ăn mỳ Quảng. Qua đó, hội thảo hướng tới việc nâng cao vị thế của ẩm thực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh…
Gửi phản hồi
In bài viết