Nhiều nhà máy xe điện tại Mỹ đang lệ thuộc lớn vào linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc.
Là một phần của thỏa thuận nhằm gia hạn chính sách hỗ trợ 7.500 USD cho người mua ô tô điện tại Mỹ, các quy định mới xếp các công ty có tỷ lệ sở hữu trên 25% bởi những đối tượng trong "danh sách đen" nói trên vào điện "Thực thể nước ngoài quan ngại (FEOC)".
Từ năm 2024, các phương tiện chứa bất kỳ thành phần pin nào do các thực thể FEOC sản xuất hoặc lắp ráp sẽ không đủ điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ về thuế khi tới tay người tiêu dùng.
Từ năm 2025, các hạn chế sẽ mở rộng bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu chính phục vụ việc sản xuất pin như niken và lithium.
Các đề xuất này dự kiến sẽ trở thành văn bản cuối cùng vào tháng 1-2024, sau thời gian lấy ý kiến công chúng kéo dài 30 ngày. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ phương tiện nào sẽ đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế đầy đủ 7.500 USD theo quy định mới vì Chính phủ Mỹ chưa công bố bất kỳ "danh sách đen" nào.
Được thúc đẩy mạnh mẽ bởi ưu đãi thuế 7.500 USD, doanh số ô tô điện đã tăng gấp ba lần kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Tuy nhiên, tới nay, ngành "công nghiệp bốn bánh" của Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngoài - đặc biệt là Trung Quốc - đối với nhiều khoáng sản quan trọng cần thiết để sản xuất pin xe điện.
Để ứng phó với khung quy định ngày càng siết chặt về nguồn gốc linh kiện, các hãng ô tô hiện diện tại Mỹ, như General Motors (GM) và Hyundai, đang chạy đua xây dựng chuỗi cung ứng tại chỗ để xử lý nguyên liệu và sản xuất pin.
Tuy vậy, các ý kiến phân tích cho rằng, các hãng sẽ phải mất rất nhiều năm nữa mới có thể sản xuất được một chiếc xe điện "Made in USA" mà không cần tới nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết