Dự luật này được thông qua với tỷ lệ phiếu 226/196, với đa số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật trong khi hầu hết thành viên đảng Dân chủ phản đối.
Kế hoạch viện trợ nói trên được đưa ra vào ngày 31-10 vừa qua, theo đó, 14,3 tỷ USD được viện trợ cho riêng Israel, trái ngược với sáng kiến 106 tỷ USD của Nhà Trắng bao gồm cả viện trợ cho Ukraine. Gói viện trợ trên cũng không bao gồm viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza như Nhà Trắng yêu cầu.
Dự luật cung cấp viện trợ 14,3 tỷ USD cho Israel được thực hiện bằng cách cắt một phần ngân sách từ Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Đây là một trong những sáng kiến lập pháp quan trọng đầu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson.
Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Biden sẽ phủ quyết dự luật của đảng Cộng hòa về cung cấp viện trợ cho Israel mà không cung cấp cho Ukraine, kể cả khi dự luật này được thông qua ở cả hai viện Quốc hội.
Trong một diễn biến khác, tại một buổi họp báo ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại việc sơ tán cưỡng bức trong tình hình chiến sự căng thẳng hiện nay sẽ khiến hàng trăm bệnh nhân đối mặt với nguy hiểm tính mạng. Trước đó, 23 bệnh viện ở thành phố Gaza và phía Bắc Dải Gaza đã nhận được lệnh sơ tán.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng việc sơ tán bắt buộc sẽ khiến cả bệnh nhân và nhân viên y tế rơi vào tình thế “không thể thực hiện được vì không còn nơi nào để đi trong hầu hết các trường hợp”.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Nasser ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và nhiên liệu máy phát điện ở Dải Gaza đang nằm dưới sự phong tỏa nghiêm ngặt của Israel còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh viện, với 14 trong số 36 bệnh viện ở vùng lãnh thổ này đã buộc phải ngừng hoạt động.
Người đứng đầu WHO khẳng định, tổ chức này sẽ làm mọi điều có thể để bảo đảm tất cả người dân ở Dải Gaza được tiếp cận với các dịch vụ nhân đạo và y tế nhưng trong tình hình hiện nay, điều này gần như là không thể.
Trước những diễn biến chiến sự căng thẳng tại Dải Gaza, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo và lý tưởng nhất là chấm dứt hoàn toàn xung đột. WHO cũng cần quyền tiếp cận không bị cản trở và lối đi an toàn để bảo đảm an ninh cho các hoạt động viện trợ khẩn cấp.
WHO xác nhận tình trạng vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi đã xảy ra 237 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe tính đến thời điểm hiện tại, trong đó có 218 vụ ở Dải Gaza và 19 vụ ở Israel.
Theo Anadolu Angency, đến nay, gần 10.600 người đã thiệt mạng do xung đột Israel - Hamas, trong đó có ít nhất 9.061 người Palestine và hơn 1.538 người Israel. Bên cạnh số thương vong lớn và phải sơ tán, nguồn cung cấp những mặt hàng cơ bản cho 2,3 triệu người dân ở Dải Gaza đang cạn kiệt do Israel đã phong tỏa vùng lãnh thổ này.
Gửi phản hồi
In bài viết