Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (người ngồi bên phải) hội đàm với Thủ tướng Samoa Afioga Fiame Naomi Mataafa trong chuyến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương, tháng 8-2022.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (người ngồi bên phải) hội đàm với Thủ tướng Samoa Afioga Fiame Naomi Mataafa trong chuyến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương, tháng 8-2022.
12 đảo quốc khu vực Thái Bình Dương được mời tới hội nghị thượng đỉnh sắp tới gồm: Quần đảo Solomon, quần đảo Marshall Micronesia, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Samoa, Tonga, Fiji, Nauru, Palau và Tuvalu. Chương trình nghị sự bao gồm các cuộc thảo luận nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác sâu rộng thông qua hợp tác chống biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường... Theo Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell, để hoạt động hiệu quả ở Thái Bình Dương, Mỹ phải nỗ lực hơn nữa trên những lĩnh vực quan trọng và có ý nghĩa đối với người dân nơi đây. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) để tài trợ cho các dự án trong khu vực, cũng như khôi phục chương trình tình nguyện Peace Corps cho phần lớn khu vực này. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cam kết đa phương thông qua Diễn đàn Các quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là một trong những khu vực năng động bậc nhất về kinh tế, có thể hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Với kiến tạo địa hình, khu vực này bao gồm nhiều điểm trọng yếu trên các tuyến giao thông hàng hải có ý nghĩa chiến lược đối với thương mại thế giới, như tuyến qua eo biển Malacca, Bering... Theo thống kê, thương mại giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn 1,8 nghìn tỷ USD mỗi năm, đóng góp hơn 3,3 triệu việc làm tại Mỹ. Ngược lại, Mỹ là đối tác hàng đầu của nhiều quốc gia trong khu vực với vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào khoảng 1 nghìn tỷ USD/năm. Mục tiêu của Mỹ trong thời gian tới là tăng cường đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực kinh tế số, năng lượng và hạ tầng.
Kể từ đầu năm 2022 tới nay, giới quan chức cấp cao của Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới các đảo quốc Thái Bình Dương. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, việc hợp tác với các quốc đảo là hết sức quan trọng đối với tương lai của toàn bộ khu vực. Đây là lý do Washington nỗ lực mở rộng hiện diện ngoại giao tại Thái Bình Dương. Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc vào tháng 7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố khoản ngân sách mới trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương.
Theo nhận định của nhiều nhà phân tích quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược đang gia tăng tại khu vực rộng lớn thuộc Thái Bình Dương, Mỹ không chỉ tăng cường quan hệ với các quốc đảo trong khu vực mà còn phối hợp với các quốc gia đồng minh, mở rộng danh sách đối tác nhằm củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của mình. Điều này đã được coi như một trụ cột quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, Mỹ sẽ làm sâu sắc 5 quan hệ liên minh với Australia, Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực, gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các đảo quốc Thái Bình Dương. Vì vậy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là khu vực cạnh tranh đầy sôi động trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết