Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp thông tin cập nhật về tình hình Nga và Ukraine, tại Nhà trắng, ngày 22/2. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu ý kiến tại Nhà trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Điều này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn”.
Ông Biden lưu ý rằng các biện pháp này được phối hợp cùng với châu Âu sẽ ngăn chặn các ngân hàng hàng đầu của Nga tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và “cắt giảm hơn một nửa mặt hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga”.
Tổng thống Biden tuyên bố các nhà lãnh đạo Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí xúc tiến "các gói trừng phạt cứng rắn" và các biện pháp kinh tế khác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động quân sự này.
Ông cũng cho biết Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn để bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và bảo vệ người tiêu dùng. Người đứng đầu Nhà trắng khẳng định Mỹ đã chủ động hợp tác các nước trên thế giới để bảo đảm việc giải phóng tập thể các kho dự trữ dầu chiến lược của các nước và Washington sẽ giải phóng thêm các thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của nước này nếu có điều kiện.
Đáng chú ý, Tổng thống Joe Biden cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bao gồm việc loại Moskva khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Theo ông, các lệnh trừng phạt mới sẽ giới hạn khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng đồng USD, euro và yen.
EU thông qua gói trừng phạt Nga
Đêm 24/2 (theo giờ Brussels), tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt đối với Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất.
Các biện pháp trừng phạt này liên quan tới lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như việc đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga.
Gói biện pháp cũng đề xuất việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân Nga và Belarus có liên quan đến việc chuẩn bị chiến dịch quân sự hiện nay của Nga tại Ukraine như các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nga.
Có nhiều biện pháp trừng phạt Nga được đề xuất trong lĩnh vực tài chính, như cấm các doanh nghiệp nhà nước của Nga thực hiện các hoạt động tài chính với EU hoặc cấm giới tinh hoa của Nga gửi các khoản tiền gửi ngân hàng mới từ 100.000 euro trở lên.
Trong lĩnh vực vận tải, Ủy ban châu Âu đề xuất “lệnh cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc chuyển giao tất cả máy bay, bộ phận và thiết bị máy bay cho Nga cũng như tất cả các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và tài chính liên quan. Các biện pháp này cũng bao gồm việc cho thuê máy bay và các dịch vụ tương tự”.
Sau khi được lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua, gói trừng phạt này sẽ được chuyển thành các văn bản pháp lý, dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU chính thức thông qua vào ngày 25/2.
Gửi phản hồi
In bài viết