Hạ tầng đi trước
Ngược đường quốc lộ 279 lên với đồng bào Dao, ở khu dân cư Nà Tạng, thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh, chúng tôi được anh La Văn Hợp, Trưởng thôn Khau Tinh đón bằng cái bắt tay rất chặt. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông mới được thảm nhựa, anh Hợp nói: tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn vừa được UBND huyện đầu tư nâng cấp nên đi lại bớt khó khăn hơn. Sáng ở Khâu Tinh nhưng xế trưa đã có thể ăn cơm ở thị trấn Na Hang, điều mà trước đây bà con ở vùng sâu này không dám mơ ước.
Cũng chỉ mới đây thôi, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, điện lưới được kéo lên khu dân cư Nà Tạng đã giúp đồng bào mở mang nhiều thứ nhưng quan trọng nhất là nhiều loại máy, phương tiện phục vụ sản xuất bắt đầu xuất hiện ở Khau Tinh. Đây chính là điểm khởi đầu vững chắc giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Với người dân xã Sinh Long, địa danh Khuổi Phìn khi mới nghe qua đã không muốn đến, bởi lẽ đó là một bản nhỏ nằm cách trung tâm xã 20 km. Trước đây, từ trung tâm xã đến với bản phải mất gần 3 giờ, với nhiều loại phương tiện, kể cả đi bộ. Giờ thì đường lên Khuổi Phìn đã được nhựa và bê-tông hóa phẳng lỳ, rộng thênh thang, nối qua thôn Nặm Đường, qua xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê (Hà Giang).
Tuyến đường giao thông ở xã Sinh Long (Na Hang) được đầu tư giúp người dân đi lại thuận tiện.
Ông Phùng Văn Phín, Trưởng thôn Khuổi Phìn cho biết, năm 2023 và 2024, từ nguồn vốn của Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, UBND huyện Na Hang đã hỗ trợ nguồn kinh phí trên 4,2 tỷ đồng xây dựng đồng bộ các tuyến đường bê tông nông thôn ở Khuổi Phìn, với tổng chiều dài 2,6 km. Từ ngày có đường, việc đi lại của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Cũng nhờ đó, các tiềm năng về kinh tế nông lâm nghiệp cũng được khai thác tốt hơn.
“Trước đây, tuyến đường này nhiều đoạn vẫn còn là đường đất, vào mùa nắng vẫn có thể đi lại, nhưng mùa mưa người dân phải đi bộ, vì đường lầy lội, trơn trượt. Bao năm đi lại vất vả, giờ đây được Nhà nước đầu tư xây dựng mới con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện cho người dân giao thương, vận chuyển nông sản, học sinh đến trường, người dân trong làng ai cũng phấn khởi lắm”, ông Triệu Văn Bách, thôn Khuổi Phìn vui mừng nói.
Nâng cao đời sống đồng bào
Trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của huyện đến nay, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN được giải ngân khá nhất với 80%. Điều đó cho thấy, với một địa phương nguồn lực còn hạn chế như Na Hang thì việc tranh thủ nguồn vốn của Trung ương là điều hết sức quan trọng, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước sinh hoạt và các công trình dân sinh khác.
Giai đoạn 2022 - 2024, huyện Na Hang đã thực hiện phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN trên 339 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 319 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 20 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện 66 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó, 43 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; 2 công trình cung cấp điện; 4 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 4 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; 7 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo, xây mới; 6 công trình cấp nước sinh hoạt. Hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 228 hộ nghèo, đồng bào DTTS; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.910 hộ; hỗ trợ 516 hộ DTTS tham gia dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Na Hang đã và đang phát huy hiệu quả; kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 27%; 100% đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% xã có đường ô-tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê-tông; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp...
Ông Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang cho biết, thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, kiểm tra giám sát, tỉnh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên của từng địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết