Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, phòng đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hỗ trợ các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chuỗi nông sản. Nhờ đó, bước đầu đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả như chè Shan tuyết Hồng Thái, bún khô Đà Vị, rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, rau trái vụ Khau Tinh...
HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) liên kết tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết cho người dân.
Nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, chè Shan tuyết Hồng Thái trong những năm gần đây được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thường xuyên lựa chọn sử dụng. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 64 ha chè Shan tuyết, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được hợp tác xã liên kết với các hộ dân trên địa bàn bao tiêu sản phẩm. Chè Shan tuyết Hồng Thái đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Trong năm 2020, hợp tác xã đã thu mua và tiêu thụ trên 48 tấn chè búp tươi của các hộ dân với giá trị nông sản đạt trên 4,3 tỷ đồng. Hiện nay, hợp tác xã đã gửi mẫu chè sang thị trường Mỹ và Pháp để kiểm định chất lượng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái sẽ có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Với trên 8.000 ha mặt hồ sinh thái, nguồn nước tự nhiên sạch, lượng thủy sinh đa dạng dồi dào tạo điều kiện tốt để bà con phát triển nghề thủy sản. Đến nay, toàn huyện có trên 100 hộ nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ sinh thái, tập trung nuôi các loại cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá bỗng... Hiện nay, mối liên kết sản xuất, tiêu thụ cá đặc sản của Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên cũng đang mở ra một hướng mới cho người dân nuôi thủy sản trên khu vực hồ sinh thái Na Hang. Theo anh Trương Tuấn Minh, Phó Giám đốc Công ty, hiện tại công ty đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... Theo hợp đồng thì sau khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm để tiêu thụ cho các hộ dân. Liên kết nuôi cá theo quy trình cá sạch, công ty đã giảm bớt chi phí đầu tư cũng như quản lý mà vẫn tạo ra được lượng sản phẩm đủ để cung ứng cho thị trường.
Mặc dù Na Hang có nhiều sản phẩm nông sản được người tiêu dùng lựa chọn, tuy nhiên việc sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ thực trạng đó, thời gian tới huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm định hướng, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn liên kết, đầu tư.
Gửi phản hồi
In bài viết