Đánh thức tiềm năng du lịch
Thôn Nà Tông tựa mình bên dãy 99 ngọn núi với hình dáng chim Phượng Hoàng, nhìn ra cánh đồng Thượng Lâm trù phú, nghiêng soi bên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Không những vậy, Nà Tông chính là nơi hội tụ khí thiêng của đất Thượng Lâm với chùa Phúc Lâm tọa lạc. Đây là một trong những nơi ẩn chứa các dấu tích của một nền văn hóa xưa đầy tự hào dưới chân núi Chùa. Là thôn thuần Tày cổ, Nà Tông còn giữ nguyên những nét văn hóa đặc trưng của người Tày từ ngôn ngữ, tín ngưỡng, trang phục, âm nhạc, ẩm thực... Ở đây có những nếp nhà sàn vương làn khói trắng, thanh bình thấp thoáng ven những triền núi. Nà Tông được hội tụ nhiều điểm mạnh để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hóa, trải nghiệm.
Nếu như chưa có du lịch, Nà Tông vốn cũng bình yên như những thôn bản vùng cao khác, kinh tế bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 2014, hộ gia đình bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông đã tiên phong trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng Homestay. Bà Xướng chia sẻ: “Lúc đó được cán bộ huyện tư vấn, hỗ trợ về cách làm du lịch homestay mình thấy vui nhưng cũng có phần hoang mang vì cứ nghĩ làm du lịch thì phải đầu tư lớn lắm. Hơn nữa, thời điểm đó làm du lịch là điều còn khá xa lạ với bà con trong thôn, ít người thấy được những thứ sẵn có ở bản mình lại có tiềm năng để khai thác du lịch. Được cán bộ huyện gợi mở, gia đình mình quyết định bỏ làm cá lồng trên hồ tập trung đầu tư làm du lịch homestay, đóng 3 thuyền đưa đón khách du lịch tham quan lòng hồ”.
Một góc thôn Nà Tông.
Từ năm 2014, đến nay bình quân mỗi một tháng cơ sở Homestay Hoàng Tuấn của gia đình bà Triệu Thị Xướng tiếp đón trên 300 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, đã giúp gia đình có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/tháng. Không chỉ có gia đình bà Xướng, trong thôn Nà Tông hiện còn có 12 hộ gia đình khác cũng đã đầu tư làm du lich homestay. Du khách đến với Nà Tông được phục vụ tham quan lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, cùng ăn những bữa cơm thân mật với gia chủ. Trên sàn nhà bên bếp lửa hồng cùng nhau nâng bát rượu ngô và thưởng thức các món ăn truyền thống do các bà, các mẹ, các thiếu nữ nấu. Những món ăn như măng rừng luộc chấm mẻ, rượu ngô, cá ướp mẻ nướng, rau dớn xào, canh đắng... mang dư vị của núi, của rừng; được trải nghiệm cùng đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào Tày huyện vùng cao Lâm Bình.
Cả thôn đoàn kết cùng làm du lịch
Từ ngày có khách du lịch đến với với thôn, bà Dương Thị Đông, thôn Nà Tông rất mừng. Bà mừng vì quê bà nhờ làm du lịch mà ngày càng thay đổi. Ở thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid -19, cả thôn lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Nhà nhà trong thôn đều bảo nhau chỉnh trang nhà cửa, vườn tược để đón du khách. Nghề dệt vải thổ cẩm vốn lâu nay dường như bị lãng quên, nay bà Đông lại sửa sang khung cửi để dệt vải vừa là để bán cũng vừa để khách tham quan. Câu lạc bộ văn nghệ của thôn thành lập lại, bà Đông cũng tham gia mặc dù đã ở cái tuổi ngoài 60. Những làn điệu Then đã ngấm trong bà từ nhỏ, nay được thể hiện trước du khách khiến bà thấy mình như trẻ ra. Mỗi lần đi diễn văn nghệ phục vụ du khách bà Đông thấy vừa vui lại vừa có tiền.
Mặc dù gia đình bà Đông cũng như nhiều hộ khác trong thôn không trực tiếp làm dịch vụ homestay nhưng đều tham gia nhiều dịch vụ “vệ tinh” để phục vụ khách du lịch như: Chăn nuôi, trồng rau cung cấp thực phẩm cho các hộ làm dịch vụ homestay, biểu diễn văn nghệ, cho khách trải nghiệm những công việc của nhà nông, làm bánh dày, dệt vải... Ngoài ra, một số hộ có thể sẵn sàng đón khách lưu trú khi lượng du khách đến quá tải đối với các hộ làm homestay. Trong dịp diễn ra Tuần Văn hóa, du lịch huyện Lâm Bình năm 2022, gia đình bà Đông cũng có 8 phòng đón khách lưu trú. Nhờ có du lịch mỗi tháng bà Đông có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng
Du khách đến Nà Tông được thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của đồng bào Tày.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho du khách, các hộ trong thôn thành lập nhóm Facebook, Zalo để giao lưu trực tuyến, tương tác, chia sẻ thông tin những sản phẩm du lịch của gia đình và địa phương với khách du lịch, đồng thời phân công bố trí các hộ tham gia phục vụ du khách. Cách làm này đã giúp các hộ gia đình kết nối chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ nhất, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng như mong muốn.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông cho biết, thôn đã thành lập được 3 đội văn nghệ theo lứa tuổi, theo thể loại văn nghệ như: Hát Then, đàn Tính, hát Cọi, múa Sạp... Các nghề truyền thống trong thôn đã từng bước được khôi phục, phát triển như: dệt vải, làm thổ cẩm, làm cốm, bánh dày vừa có thể bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, vừa có thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Để đảm bảo chia sẻ lợi ích từ du lịch, thôn thực hiện việc phân công, sắp xếp để thành lập các tổ nhóm hộ có cùng sở thích trong thôn nhằm chuyên nghiệp hóa từng khâu, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Cụ thể, thôn lập các nhóm hộ chuyên cung cấp thực phẩm chăn nuôi, trồng rau sạch; nhóm hộ chuyên về nấu ăn, khi có khách, mỗi hộ nấu một món đem đến; nhóm hộ đón khách trải nghiệm công việc dệt vải làm các sản phẩm lưu niệm bán cho khách, đồng thời để khách tham quan; nhóm hộ chuyên làm bánh dày cũng vừa để khách thưởng thức vừa để khách trải nghiệm... Theo nguyên tắc này, các hộ trong thôn cùng được hưởng lợi như nhau khi tham gia vào hoạt động kinh doanh cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch.
Từ ngày Nà Tông làm du lịch, bộ mặt thôn đã ngày càng khang trang, tuyến đường từ trung tâm xã Thượng Lâm qua thôn ra bến thủy đã được đầu tư, đời sống các hộ trong thôn ngày càng được nâng cao. Nhờ có tinh thần đoàn kết mà thôn Nà Tông đã trở thành điểm du lịch homestay hấp dẫn du khách. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, du lịch cộng đồng giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết