Năm 2022 kinh tế thế giới có nhiều điểm sáng lạc quan

Sau hai năm chao đảo vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới được dự báo sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Đà phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Nhật Bản; động lực tăng trưởng từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được xem là những luồng gió mới cho kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

(Ảnh minh họa).

Đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022, giới phân tích cho rằng, dù còn nhiều khó khăn phía trước, song vẫn có khá nhiều điểm sáng lạc quan. Đà phục hồi kinh tế trong năm 2021 tiếp tục được củng cố trong năm nay khi các nước duy trì kích thích tăng trưởng và những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ. Các nền kinh tế đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của thế giới tiếp tục phục hồi khả quan. Trong đó, Mỹ được dự báo tăng khoảng 4%, sau khi năm 2021 đã đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất kể từ năm 1984. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng phục hồi mạnh mẽ này sẽ giúp nước Mỹ chữa lành hầu hết những "vết thương kinh tế" do dịch bệnh gây ra. Tăng trưởng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo là sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay. "Cỗ xe kinh tế" của Nhật Bản cũng được dự báo là sẽ bứt tốc trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng cá nhân và kim ngạch xuất khẩu tăng. Trong báo cáo công bố tuần trước, Chính phủ Nhật Bản dự báo GDP thực tế của nước này sẽ tăng 2,6% trong tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022 và 3,2% trong tài khóa 2022.

Cùng với tăng trưởng ở các nền kinh tế đầu tàu có thể tăng tốc, các chuyên gia cho rằng việc RCEP, gồm 15 quốc gia thành viên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng sẽ tạo ra một "luồng gió mới" thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế khu vực và toàn cầu. Hiệp định này tiến tới loại bỏ thuế quan cho hơn 90% hàng hóa, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, điều chỉnh các thủ tục hải quan, thiết lập những nguyên tắc chung về phát triển của thương mại điện tử, phát triển doanh nghiệp. Theo đó, RCEP được nhận định sẽ là chất xúc tác giúp mở rộng đầu tư và thương mại khu vực. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển mới đây nhận định RCEP sẽ tạo ra "một trung tâm thu hút thương mại toàn cầu", đồng thời giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực tăng thêm 42 tỷ USD.

Trước những tín hiệu tích cực nêu trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nhận định lạc quan rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%. Dự báo tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử và sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực như trên, kinh tế thế giới trong năm 2022 vẫn đối mặt những "làn gió độc". Theo đó, nỗi lo về những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 cùng sức ép lạm phát vẫn là những nguy cơ có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng. Những gì đã xảy ra trong hai năm qua đã cho thấy diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 có thể làm thay đổi mọi dự báo. Biến thể Omicron của vi-rút SARS-CoV-2 lây lan trên diện rộng ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2022 như hiện nay, có thể cản bước tăng trưởng kinh tế thế giới khi làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm với tình hình dịch bệnh như du lịch và nhà hàng. Bên cạnh đó, biến thể Omicron cũng đang làm gia tăng nguy cơ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi có nguy cơ bị đứt gãy nghiêm trọng trở lại. Việc Trung Quốc siết chặt quản lý các cảng, cửa khẩu quốc tế để phòng, chống dịch đã khiến lưu thông của nhiều loại hàng hóa đang bị gián đoạn. Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng đang gia tăng hiện nay, gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng lạm phát.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan đã đưa ra dự báo và cũng là kỳ vọng về kinh tế toàn cầu: "Năm 2022 sẽ là năm toàn cầu phục hồi hoàn toàn, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra". Tuy nhiên, để dự báo này thành hiện thực, cộng đồng quốc tế, các chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu phải đồng tâm hiệp lực và nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như điều tiết các chính sách kinh tế vĩ mô, kích cầu kinh tế.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục