Gạo Cơm VietNam Rice được bán ở siêu thị Pháp.
Cơ hội lớn từ thị trường
Sau đơn hàng đầu tiên được bán tại chuỗi siêu thị Carrefour vào tháng 9/2022, hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang tất bật với các đơn hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho các đối tác EU. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU. Đến nay, đơn vị này đã xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn gạo sang thị trường EU.
Tuy nhiên, cơ hội bứt phá đưa gạo Việt vào EU của Lộc Trời đã đến khi vào tháng 9/2022, lô hàng 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm VietNam Rice đầu tiên được đưa lên kệ các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp. Sau đó, các khách hàng đã nhập thêm 500 tấn và trong vòng 1 tháng đã tiêu thụ hết 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng của Việt Nam.
Thông qua hệ thống siêu thị bán lẻ Leclerc (hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp) và siêu thị Carrefour (hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu), gạo Cơm VietNam Rice không chỉ tiếp cận người tiêu dùng Pháp mà đã đến với thị trường Đức, Hà Lan... Đơn hàng đặt riêng cho năm 2023 lên đến 400 nghìn tấn.
Bên cạnh thị trường EU, thị trường Indonesia cũng là thị trường tiềm năng cho hạt gạo Việt. Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, ngày 27/3/2023, nước này quyết định sẽ nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023. Trong đó 500 nghìn tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.
Đây được cho là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam bởi theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, Indonesia là thị trường nhập khẩu khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philipines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia trong 2 tháng qua đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31 triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng 337 lần về lượng và tăng 303 lần về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Không chỉ riêng thị trường Indonesia mà gạo Việt Nam vẫn luôn giữ vững vị trí là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm nông sản thời gian qua. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi gia tăng cả về khối lượng và trị giá.
“Đặc biệt là trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, gạo 5% tấm từ mức xấp xỉ 450 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 430 USD/tấn, vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến kết quả khả quan này, ông Trần Thanh Hải cho biết, nguyên nhân chính là thời gian qua, các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ các doanh nghiệp để chuyển đổi gạo xuất khẩu sang gạo từ phẩm cấp thấp và trung bình sang chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ… Đây là nguyên nhân chính giúp giá xuất khẩu tăng cao và giúp gạo Việt Nam giữ vững được vị thế xuất khẩu.
Đối với thị trường bên ngoài, hiện nay, Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo ra sự khan hiếm nhất định trên thị trường thế giới. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia lại đang có nhu cầu mua gạo tăng trở lại.
“Đặc biệt, với Indonesia, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam dù còn khiêm tốn, nhưng mức độ tăng trưởng rất cao, đang tạo ra một thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Riêng với thị trường EU, dù gạo vào thị trường này có khối lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng lại được ưu thế là chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm. Sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tạo điều kiện cấp Giấy chứng nhận để giúp cho hoạt động xuất khẩu gạo đặc biệt là gạo thơm của Việt Nam sang thị trường này. Nhờ đó, đến nay, mức tăng trưởng xuất khẩu gạo sang EU rất tốt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nêu rõ, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn, trong đó phải kể đến chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung.
Đáng chú ý, những thị trường khó tính như: châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu.
Hướng đến mốc 7 triệu tấn gạo xuất khẩu
Với năng lực sản xuất gạo của nước ta đang ở mức rất tốt như hiện nay, về cơ bản, nguồn cung xuất khẩu gạo sẽ tương đối ổn định. Bên cạnh đó, đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đặc biệt, việc các thị trường hiện nay đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia tăng nhu cầu thu mua cũng sẽ giúp cho nước ta có thể bảo đảm được lượng gạo xuất khẩu năm nay vào khoảng 7 triệu tấn.
Chưa kể, giá gạo Việt Nam hiện nay cũng tương đối tốt. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, năm 2023, trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, phía Trung An đã ký kết xuất khẩu gạo thơm ST với giá 1.250 USD/tấn. Đây được xem là kỳ tích của lúa gạo Việt Nam.
Vào tháng 2/2023, Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường EU với giá 1.800 USD/tấn. Trong khi đó, đơn hàng 400 nghìn tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023 được bán với mức giá 12,9 EUR/5kg (túi), tương đương ngưỡng 2.000 USD/tấn. Đây là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục giành những kỳ tích mới.
Để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hoàn thiện, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế điều hành, thúc đẩy xuất khẩu.
Song song đó, triển khai tuyên truyền, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu gạo sang các thị trường; nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân để am hiểu đầy đủ, rõ ràng đặc biệt các quy định của Hiệp định thương mại tự do về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham vấn ý kiến, hoàn thiện nội dung và phương thức tổ chức Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhanh chóng triển khai thực hiện. Đề án đang được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội bứt phá xuất khẩu gạo ở phân khúc trên 1.000 USD/tấn, tiếp tục giúp gạo Việt Nam đạt thành tích cao hơn về giá.
Gửi phản hồi
In bài viết