Tỷ lệ sinh thấp kéo dài khiến Nhật Bản mất cân bằng dân số nghiêm trọng. (Ảnh Reuters)
Năm 2022, số trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 trẻ và là mức thấp nhất kể từ khi các cơ quan chức năng tổng hợp dữ liệu dân số năm 1899. Cùng với đó, Nhật Bản lại là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của Chính phủ năm 2020, cứ 1.500 người ở Nhật Bản thì có một người từ 100 tuổi trở lên. Tỷ lệ người Nhật Bản trên 65 tuổi hiện chiếm 28% dân số, cao thứ hai thế giới chỉ sau Công quốc Monaco. Già hóa dân số làm gia tăng áp lực về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là gánh nặng với giới trẻ - lực lượng lao động chủ yếu, gián tiếp dẫn đến thực trạng nhiều người trẻ có tâm lý ngại kết hôn cũng như sinh con.
Một cuộc khảo sát do Quỹ Nippon thực hiện với 1.000 người Nhật Bản trong độ tuổi 17-19 cho thấy có dưới 50% những người trẻ tuổi ở Nhật Bản muốn có con trong tương lai và hơn một nửa trong số này khẳng định những yếu tố như gánh nặng kinh tế và khó khăn trong việc cân đối cuộc sống với công việc là trở ngại lớn đối với kế hoạch sinh con.
Theo cuộc khảo sát, có 46% số người trẻ tuổi cho biết muốn sinh con trong tương lai, trong khi 23% trả lời “có thể” hoặc “chắc chắn” không muốn sinh con và 31% còn lại trả lời “không biết” hoặc “chưa nghĩ đến”. Về những rào cản đối với kế hoạch sinh con, 69% số người trẻ tuổi được hỏi khẳng định đó là những áp lực tài chính, cùng với 54% cho rằng do khó cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.
Theo Giáo sư Yamada Masahiro (Ya-ma-đa Ma-xa-hi-rô), chuyên gia về lĩnh vực xã hội học gia đình thuộc Đại học Chuo, so với 30 năm trước, thế hệ trẻ Nhật Bản hiện nay đang ngày càng lo lắng hơn về tương lai, khi bước ra ngoài xã hội với nhiều thách thức, như khó tìm kiếm việc làm, thu nhập không chắc chắn…
Giáo sư Yamada nhấn mạnh, các giải pháp đang được Quốc hội Nhật Bản thảo luận nhằm đối phó tỷ lệ sinh giảm, như hỗ trợ tài chính cho các gia đình nuôi con nhỏ, mở rộng trợ cấp cho trẻ em… đều là cần thiết, song Chính phủ cần phải nhìn vào thực tế rằng ngày càng nhiều người trẻ tuổi không thể kết hôn vì gánh nặng tài chính đeo đẳng từ khi học đại học cho đến khi ra trường, đi làm.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản, trong số những người dưới 34 tuổi chưa kết hôn thì có hơn 17% nam giới và hơn 14% nữ giới khẳng định không có kế hoạch kết hôn, tăng gấp ba lần so với năm 1992.
Đồng thời, khoảng 55% nam giới và 36% nữ giới tham gia khảo sát cho biết không có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn. Giáo sư Yamada khuyến nghị, Chính phủ Nhật Bản cũng cần quan tâm đến cả các phương pháp như tăng học bổng hay giảm chi phí giáo dục đại học và coi đây là một trong những giải pháp trọng điểm để tạo thuận lợi, khuyến khích giới trẻ trong việc xây dựng kế hoạch kết hôn và sinh con.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, việc tập trung quan tâm các chính sách liên quan đến sinh đẻ và nuôi dạy trẻ em là vấn đề không thể chờ đợi và trì hoãn. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết, sẽ tìm kiếm các nguồn tài chính để thực hiện các chính sách chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, cam kết kiến tạo một nền kinh tế và xã hội ưu tiên trẻ em, qua đó, hướng tới đảo ngược tỷ lệ sinh giảm đã kéo dài từ lâu. Nhật Bản sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách về các vấn đề trẻ em và gia đình vào tháng 4 và cập nhật một kế hoạch vào tháng 6, đặt mục tiêu tăng 50% ngân sách phân bổ cho việc nuôi dạy trẻ trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết