Nâng cao chất lượng dân số để phát triển

- Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 26-12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam nhằm tập trung sự quan tâm của toàn xã hội cho công tác dân số, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài. Năm 2022 này, chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam nhấn mạnh “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

 

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay, đặc biệt là chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Có 6 nhóm mục tiêu chính được đặt ra trong Nghị quyết 21: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Căn cứ vào tình hình dân số, đặc điểm kinh tế, xã hội ở các vùng, các tỉnh có nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, mỗi tỉnh, thành phố cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện mục tiêu và vận dụng sáng tạo các giải pháp mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra để đạt được các mục tiêu này.

Cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Xuân Lập (Lâm Bình) tuyên truyền cho bà con dân tộc Mông trên địa bàn nhận thức về hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để phát triển chất lượng dân số.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tư, Chi cục phó Chi Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Tuyên Quang cho biết, thực hiện công tác dân số trong tình hình mới “chuyển trọng tâm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng thực hiện, triển khai Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa cán bộ về cơ sở, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số.

Tuyên Quang là tỉnh có trên 56% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Dân số sống phân tán, dân trí không đồng đều, kinh tế, giao thông nhiều nơi còn khó khăn, khiến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tự giác của người dân mà công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình thu được những kết quả rõ rệt. Mức sinh trung bình của một cặp vợ chồng trên địa bàn tỉnh là 2 con, tuổi thọ trung bình của người dân đạt trên 73 tuổi. Tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn, cận huyết thống, suy dinh dưỡng, mất cân bằng giới tính nam-nữ giảm nhiều trong các năm gần đây.

Hiện nay dân số tỉnh Tuyên Quang đạt trên 800 nghìn dân. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số. Người dân được khám, chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm Y tế. Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thu được kết quả vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Người dân không những sống thọ hơn mà còn khỏe hơn, năng suất lao động ngày càng tăng. Trẻ em, nhất là người dân tộc thiểu số được quan tâm cả về thể chất và học hành. Tỉnh xác định chỉ khi có chất lượng dân số tốt, đây mới là nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bởi vậy đầu tư cho con người vẫn là đầu tư cho sự bền vững và tương lai, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải thật sự chú trọng, quan tâm sát sao, coi là việc trọng tâm của địa phương mình.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục