Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, đại diện các bảo tàng, di tích, tổ chức lữ hành... trên địa bàn Hà Nội, nhằm tìm ra giải pháp thích ứng với tình hình mới, đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, từng bước nâng cao hiệu quả tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa.
Đa dạng sản phẩm, phương thức tiếp cận
Dịch Covid-19 tác động tới mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, và các hoạt động quảng bá di sản, dịch vụ du lịch văn hóa cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Để kịp thời thích nghi, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, linh hoạt thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách tham quan, du lịch.
Trong đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm đặc thù, đề cao tính trải nghiệm tạo cảm xúc... được chú trọng hàng đầu. Có thể kể đến, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... nhanh chóng xây dựng các tour tham quan online thu ngắn khoảng cách giữa điểm đến với du khách; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thay vì chờ công chúng tìm đến, đã chủ động mang sản phẩm văn hóa tới các trường học...
Phó Trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam An Thu Trà cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, Bảo tàng xác định đối tượng khách tiềm năng là các nhóm nhỏ, các gia đình nên tập trung xây dựng các sản phẩm dành cho nhóm đối tượng này, như: Làm nông dân bắt cá dưới suối nhân tạo, tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa truyền thống... hay chủ động đưa hoạt động đến trường học thay vì đợi các trường đưa học sinh tới. Do vận dụng sáng tạo, nên trong hai ngày cuối tuần qua, Bảo tàng Dân tộc học đón được 500 khách tới tham quan, trải nghiệm, dù không nhiều, nhưng là con số ý nghĩa trong thời gian này.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, cùng với việc phục dựng Phương Đình tại gò Kim Châu, Trung tâm lên ý tưởng đề xuất triển khai phố đi bộ tại phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám vào dịp cuối tuần, đưa khu vực này thành không gian văn hóa, có hệ sinh thái gồm rất nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đặc biệt, Trung tâm đang xúc tiến xây dựng tour du lịch đêm nhằm khai thác vẻ đẹp Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm, áp dụng công nghệ để kể câu chuyện về đạo học Việt Nam. Sản phẩm này nếu hoàn thành sẽ cùng với sản phẩm đêm của di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm du lịch Hà Nội.
Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các bên
Qua tọa đàm, có thể thấy, ứng dụng công nghệ đang là giải pháp được nhiều đơn vị cân nhắc, triển khai, coi đây là xu thế tất yếu nhằm thu hút du khách trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài. Nhưng đó cũng là bài toán để các điểm đến cân nhắc, lựa chọn do công nghệ luôn thay đổi theo thời gian, cần được cập nhật thường xuyên, nếu không, sẽ dễ bị tụt hậu.
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thu Hoan chia sẻ, dù là một trong những đơn vị được đánh giá cao về thực hiện hiệu quả công việc này nhưng cán bộ, nhân viên Bảo tàng vẫn xác định điều cốt lõi và quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người và công tác chuẩn bị nội dung để vận hành bảo đảm sự phong phú, hấp dẫn, thu hút được khách.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo, công nghệ là giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, nhưng dòng sản phẩm chủ lực của các điểm đến di sản vẫn phải là những tour tham quan thực tế với những cảm nhận, trải nghiệm trực tiếp.
"Các điểm đến cần chủ động thông tin, trao đổi, quảng bá về những sản phẩm mới, giúp các đơn vị lữ hành dễ dàng tiếp cận, từ đó xây dựng những tour tuyến phù hợp, chất lượng, nâng tầm hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách", Phó Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội nói.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nêu, sản phẩm văn hóa cần được xác định đối tượng phục vụ rộng hơn, đó là công chúng, trong đó có khách tham quan, du lịch. Các đơn vị cần xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu, thị hiếu khách hàng, thay vì có gì dùng đó. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, dù nhiều lợi thế, vẫn chỉ nên được coi là phương tiện. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng để từ đó có những sản phẩm ưng ý, không chỉ giúp kích cầu du lịch, mà còn bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản.
Dịch Covid-19 tác động mạnh đến việc đón khách của các bảo tàng, di tích, nhưng nếu các đơn vị "biến nguy thành cơ" thì đó cũng là cơ hội để bảo tàng, di tích thay đổi hình ảnh, tạo tiền đề phát triển bền vững giai đoạn hậu Covid-19, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Định Phong nêu và cho rằng, các bảo tàng, di tích cần thay đối tư duy trong hoạt động, nghiên cứu nhu cầu tham quan của khách theo từng giai đoạn, xác định các sản phẩm phù hợp để thu hút khách. Khi áp dụng công nghệ 4.0, các bảo tàng, di tích cần nghiên cứu các đơn vị đi trước đã có thành công bước đầu để học tập, áp dụng; tránh trường hợp vừa áp dụng xong, công nghệ lại lạc hậu.
Gửi phản hồi
In bài viết