Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh cho biết, tội phạm thực hiện các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có chiều hướng phức tạp hơn, đặt ra yêu cầu mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đòi hỏi yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn. Nhằm nâng cao kỹ năng viết báo cáo đề xuất yêu cầu kiểm tra, xác minh trong giải quyết nguồn tin về tội phạm của kiểm sát viên, hàng năm, VKSND tỉnh tổ chức các cuộc thi để nâng cao kỹ năng của các kiểm sát viên và cập nhật các quy định mới.
Các kiểm sát viên thi kỹ năng viết báo cáo yêu cầu kiểm tra, xác minh.
Theo quy định khoản 2, Điều 159, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 và khoản 1, Điều 41 Quy chế số 111/QĐ-VKSTC, ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao, kiểm sát viên đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh khi cần thiết, bằng văn bản hoặc lời nói và có thể thực hiện nhiều lần trong một vụ việc. Đồng chí Ma Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chiêm Hóa cho biết: Việc có yêu cầu kiểm tra, xác minh hay không, yêu cầu nhiều hay ít, bằng văn bản hay lời nói, điều đó phụ thuộc vào tính chất từng vụ việc cụ thể, cũng như tiến độ, chất lượng hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra, điều tra viên.
Mới đây, ngày 14 - 10, VKSND tỉnh đã tổ chức Cuộc thi kỹ năng viết báo cáo đề xuất yêu cầu kiểm tra, xác minh trong giải quyết nguồn tin về tội phạm; phân loại và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2022. Tham gia cuộc thi có 77 thí sinh trong toàn ngành. Đây là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết trong việc tự đào tạo, đào tạo tại chỗ, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên của VKSND hai cấp. Chị Nguyễn Phương Hà, Kiểm sát viên sơ cấp, Viện Kiểm sát huyện Hàm Yên cho biết: Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm phải nắm chắc, thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, thể hiện rõ vai trò kiểm sát trong hoạt động công tố, gắn công tố với hoạt động giải quyết các vụ việc ngay từ giai đoạn phát hiện, tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, đặc biệt cần chủ động nghiên cứu tài liệu, bám sát hồ sơ.
Theo Điều 159 BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể chức năng công tố của Viện Kiểm sát khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong đó có hoạt động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện. Do đó, kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện nghiêm túc. Kiểm sát viên ra yêu cầu kiểm tra, xác minh ngay khi tiếp nhận nguồn tin và xuyên suốt trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm ngay trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… Đặc biệt, gần đây VKSND tỉnh cũng từng bước xây dựng sơ đồ tư duy đối với vụ án một mặt giúp cho kiểm sát viên hệ thống được toàn bộ các thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ, nắm chắc nội dung vụ án, vụ việc, từ đó có thể phát hiện các thiếu sót trong hồ sơ để kịp thời khắc phục, sửa chữa; mặt khác xây dựng sơ đồ tư duy sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ tốt cho kiểm sát viên trong việc báo cáo án, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án đến lãnh đạo Viện. Sơ đồ tư duy còn bảo đảm cho hoạt động báo cáo án thêm phần sinh động, thuyết phục cao và giúp lãnh đạo dễ dàng nắm bắt toàn bộ nội dung của vụ án để có hướng chỉ đạo.
Thời gian tới, để nâng cao kỹ năng của các kiểm sát viên trong viết báo cáo đề xuất yêu cầu kiểm tra, xác minh trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, VKSND 2 cấp trong tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện tốt quan hệ phối hợp liên ngành tố tụng. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, VKSND 2 cấp sẽ chủ động giao ban liên ngành với cơ quan điều tra, đưa ra các tồn tại hạn chế trong quá trình giải quyết tin báo, để có giải pháp phù hợp giải quyết các vụ án.
Gửi phản hồi
In bài viết