Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo thu hút hơn 150 tác giả và nhóm nghiên cứu gửi bài tham luận. Các tác giả và nhóm nghiên cứu đến từ 75 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho biết, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Trong năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á"; "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á", qua đó cho thấy, vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các giải thưởng chính là sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam nói chung và chất lượng dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng, lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, hiện nay còn một số thách thức trong du lịch văn hóa như: chương trình đào tạo chưa cập nhật, chưa theo kịp được xu hướng mới, công nghệ khai thác mới; biên soạn giáo trình chưa theo kịp trong bối cảnh hội nhập; khó khăn trong việc cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực...
Nhấn mạnh về vai trò của sản phẩm du lịch văn hoá là một trong bốn sản phẩm chủ đạo quan trọng nhất của du lịch Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ "Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến", trong đó nhấn mạnh "chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế".
Vì vậy, hội thảo lần này với mục đích định dạng được những đặc điểm cơ bản và đề ra được những giải pháp hữu ích cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ khái niệm sản phẩm du lịch văn hóa và thực trạng cũng như sự cần thiết nâng cao chất lượng việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tìm ra những nguyên nhân cơ bản quyết định chất lượng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hóa tại các cơ sở đào tạo; những yếu tố đặc thù trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cho sản phẩm du lịch văn hóa tại các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch; đề ra các giải pháp hữu ích cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực du lịch văn hóa. Đây cũng là bước đệm quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, chú trọng vào các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy di sản truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết