Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Cả nước huy động được 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%; nguồn vốn đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Tại tỉnh Tuyên Quang, sau 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên điạ bàn tỉnh đạt trên 4.355 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng CSXH là trên 111 tỷ đồng, gấp 280 lần so với năm 2014, khi chưa thực hiện Chỉ thị 40.
Nguồn vốn đã giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện để 1.026 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 23.630 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 454 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường, hỗ trợ 3.857 căn nhà cho hộ nghèo…
Thảo luận tại hội nghị, các ngành, các địa phương đã làm rõ hơn kết quả, hạn chế, khó khăn qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và giải pháp thực hiện những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cơ cấu nguồn vốn còn bất cập, vốn cho vay trung dài hạn cao, chiếm đến trên 98% tổng ngồn vốn; nguồn vốn tín dụng CSXH chưa đáp ứng được mục tiêu Chỉ thị 40 đề ra.
Thủ Tướng Chính phủ đề nghị: Trong những năm tới, Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị NHCS tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH. Đồng thời quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua Ngân hàng CSXH.
Cùng với đó, duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp.
Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, sự tham gia, giám sát trưởng thôn trong việc quản lý nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho người nghèo, đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng tín dụng. Các địa phương huy động đa dạng hoá nguồn lực theo hướng ổn định, bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội …
Gửi phản hồi
In bài viết