Nâng cao vai trò, vị thế người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu

- Thời gian qua, người có uy tín và người dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu luôn được đồng bào tín nhiệm. Vì gần dân, sát dân, hiểu dân, lực lượng này có khả năng tác động, tập hợp quần chúng. Họ là “mắt xích” quan trọng giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò và vị thế người có uy tín, người DTTS tiêu biểu không ngừng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính sách đảm bảo bình đẳng, đoàn kết, tương trợ

Theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 10-2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng DTTS và miền núi. Từ tỉnh đến cơ sở luôn quán triệt và triển khai thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn đề cao vai trò người có uy tín, chú trọng, thực hiện chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS: cung cấp thông tin; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; biểu dương, khen thưởng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Anh Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) tham quan mô hình kinh tế của đồng bào Sán Dìu.

Từ năm 2021 đến năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 3.351 lượt người có uy tín. Trong đó, có 2.030 người có uy tín là đảng viên. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 18 hội nghị cung cấp thông tin cho trên 1.440 lượt người có uy tín; phát miễn phí Báo Tuyên Quang, Báo Dân tộc và Phát triển cho trên 3.000 lượt người có uy tín. Toàn tỉnh tặng quà cho 3.351 lượt người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; thăm hỏi, hỗ trợ cho 326 lượt người có uy tín bị ốm đau và gia đình người có uy tín khi gặp hoạn nạn.

Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố còn chú trọng chỉ đạo, công tác biểu dương, khen thưởng; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương trong cả nước. 3 năm qua, đã có gần 900 người có uy tín được cấp huyện, tỉnh biểu dương, khen thưởng; 240 lượt người có uy tín được tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố.

Nâng cao vị thế người dân tộc thiểu số

Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đã động viên, khích lệ kịp thời; xây dựng và củng cố lòng tin vững chắc của đồng bào DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với Đảng, chính quyền. Đây là nền móng để người DTTS và người có uy tín phấn đấu trở thành công dân tốt, những “hạt nhân” tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Vị thế của người có uy tín, người DTTS được nâng lên, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Anh Lê Văn Thanh, dân tộc Sán Dìu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã có gần 10 năm là cán bộ chủ chốt của thôn. “Chúng tôi luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất. Là cán bộ cốt cán, tôi nhận thức sâu sắc về vai trò của đảng viên trong triển khai, vận động đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đồng bào Sán Dìu để phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Từ năm 2016 đến nay, anh Thanh cùng tập thể chi bộ, đã vận động, huy động đồng bào dân tộc Sán Dìu đóng góp nguồn lực trị giá gần 750 triệu đồng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của anh Thanh, tập thể chi bộ, 11 năm qua, Câu lạc bộ Hát Soọng Cô thôn Hội Kế với 24 thành viên hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Sán Dìu.

Tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng thực hiện chính sách dân tộc về giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.

Cũng như anh Thanh, với sự biết ơn, niềm tin yêu vào Đảng, Nhà nước, người DTTS tiêu biểu và người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thi đua sôi nổi qua các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực. Họ đã khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, nòng cốt trên nhiều mặt trận.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, người DTTS tiêu biểu luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; vận động người thân trong gia đình, cộng đồng tích cực sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, người DTTS tiêu biểu đã tích cực vận động cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đồng bào các DTTS tự nguyện đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính đời sống đồng bào DTTS, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người DTTS tiêu biểu đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Nhiều người chủ động tham gia, trở thành nòng cốt trong hoạt động trong các mô hình, câu lạc bộ về: Phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình bình đẳng trong chị em phụ nữ DTTS; gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Với sự am hiểu về văn hóa truyền thống, các nghệ nhân là người DTTS nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Phụ nữ DTTS xã Thanh Tương (Na Hang) được hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Vừa đưa các chủ trương chính sách, pháp luật đến các thôn, bản, tổ nhân dân và từng hộ gia đình, đội ngũ người có uy tín và người DTTS tiêu biểu thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình và cộng đồng không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội; giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe kẻ xấu kích động, xúi giục.

Lực lượng là cánh tay đắc lực khi kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, vướng mắc ngay từ cơ sở, tiêu biểu là bà Giàng Thị Chía, thôn Ngòi Khù, xã Đạo viện (Yên Sơn); ông Lương Thái Hồng, dân tộc Tày, thôn Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); ông Hoàng Văn Dự, dân tộc Mông, thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên); ông Triệu Văn Nhất, thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang).

Với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào DTTS chiếm gần 57% so với dân số toàn tỉnh, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo tư tưởng lãnh đạo của Đảng: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các DTTS.

Đó là kim chỉ nam cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS và người DTTS tiêu biểu đối với sự phát triển của địa phương, phấn đấu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
                                                                                                                                                      ​Bài, ảnh: Bích Hằng


Tấm lòng yêu nghề của bác sỹ Thuần

Bằng trách nhiệm, lòng yêu nghề của người thầy thuốc, bác sĩ Hà Doãn Thuần (trong ảnh), dân tộc Tày, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu bởi sự gương mẫu, luôn nêu cao y đức, tinh thần tận tụy, hết lòng với công việc. 

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y Tuyên Quang, anh Thuần về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Nhân Lý (Chiêm Hóa); đến năm 2019, anh đi học lên bác sĩ chuyên khoa tại trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, sau khi ra trường anh Thuần đã viết đơn tình nguyện lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Bình công tác (nay là Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình).

Anh được phân công về công tác tại khoa Ngoại - Sản. Tại đây, bác sĩ Hà Doãn Thuần đã nhanh chóng chứng tỏ được khả năng chuyên môn và được các đồng nghiệp, người bệnh tin tưởng, yêu mến. Trong quá trình công tác, bác sĩ Thuần luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để nâng cao trình độ chuyên môn từ 2017 - 2019 anh tiếp tục tham gia khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên ngành sản tại trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.

Sau nhiều lần bổ nhiệm các vị trí công tác khác nhau, đến tháng 3-2023, bác sĩ Thuần được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình. Với cương vị là một người quản lý, anh luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ của Đảng, của nhân dân giao phó; luôn đảm bảo đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Ngoài ra để nâng cao chất lượng khám và điều trị của đơn vị anh luôn chủ động tham mưu với Ban Giám đốc Trung tâm ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh, đưa Trung tâm từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, chuyên sâu, mang lại lợi ích cho người bệnh. Chính lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề đã gắn kết bác sĩ với người bệnh, nhiều ca bệnh nguy cấp đã được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Ngoài công tác quản lý, bác sĩ Thuần còn là Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình. Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn, anh đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên trong đơn vị.

                                                                                                                                                      Bài, ảnh: Tố Mai


Góp phần giữ bản làng bình yên

Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, Trung tá Lục Quang Thành (trong ảnh), dân tộc La Chí, Đội trưởng Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Tuyên Quang đã vinh dự được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Thời gian qua, Trung tá Lục Quang Thành đã chủ động chỉ đạo, tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững bình yên ở các bản làng. Từ năm 2021 đến nay, anh đã tham mưu lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Công an tỉnh ban hành 280 kế hoạch, phương án liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trong vùng dân tộc thiểu số, đấu tranh với các loại tà đạo.

Anh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ xử lý hình sự 15 đối tượng, đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của 22 đối tượng cốt cán và tuyên truyền, vận động 100% số người tin theo ký cam kết từ bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Anh cũng đã tiếp xúc, tranh thủ hơn 100 lượt chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo và người dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động họ hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm chủ động đấu tranh, ngăn chặn tổ chức “Ân điển cứu rỗi”, anh đã tham mưu lãnh đạo đơn vị, báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu với UBND tỉnh kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thống nhất nhận thức, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sớm đấu tranh, xóa bỏ tổ chức này trên địa bàn tỉnh.
                                                                                                                                                       Bài, ảnh: Lý Thịnh


Vận động người Mông không theo tà đạo

Anh Hoàng Văn Dự (trong ảnh), sinh năm 1983, dân tộc Mông, Phó thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) những năm qua đã tích cực vận động người Mông không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, chăm chỉ làm ăn, vươn lên giảm nghèo.

Thôn Tháng 10 có 198 hộ, trong đó có 20 hộ dân tộc Mông, những năm trước nghe lời kẻ xấu xúi giục, nhiều người Mông đã tin theo tà đạo, không chí thú làm ăn, đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước. Anh Hoàng Văn Dự ban đầu cũng theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình nhưng khi được cán bộ gặp gỡ, phân tích đúng sai, anh hiểu ra và không theo nữa mà tập trung vào phát triển kinh tế gia đình và trở thành tuyên truyền viên vận động người Mông trong thôn không theo tổ chức bất hợp pháp này. Bền bỉ vận động, anh Dự đã vận động được 5 hộ gia đình trong thôn không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Anh Dự còn là người có tư duy làm kinh tế giỏi của người Mông, từ trồng sắn, trồng gừng nay trồng cam, trồng rừng. Cây nào anh cũng chăm sóc tốt. Anh Dự bảo, gia đình đang canh tác trên 1 ha cam sành và cam Vinh; trên 4 ha rừng keo. Ngoài ra, duy trì tổ thợ xây gần chục người nhận công trình xây dựng dân dụng.

Thấy anh “miệng nói, tay làm” người dân thôn Tháng 10 bầu anh làm Phó thôn. 2 năm qua “gánh” thêm trách nhiệm cộng đồng, anh Dự cùng cán bộ thôn vận động nhân dân làm 1.100 m đường bê tông nông thôn, giữ vững an ninh trật tự trong thôn.

Theo đánh giá của xã Yên Lâm, việc anh Dự vận động thành công người Mông trong thôn theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã góp phần trả lại bình yên cho bản Mông, giữ an ninh trật tự địa bàn xã. 

Gương mẫu, trách nhiệm và nhiệt tình, anh Hoàng Văn Dự vinh dự đi dự “Hội nghị biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang lần thứ hai, năm 2023”.
                                                                                                                                                       Bài, ảnh: Trang Tâm


Sáng tạo trong từng bài giảng

Anh Bàn Văn Dần (trong ảnh), dân tộc Dao, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Thượng Nông (Na Hang) vinh dự là đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang lần thứ hai, năm 2023.

Anh Dần được giao nhiệm vụ đảm nhiệm giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học 8, 9, dạy môn Công nghệ 8, 9. Anh luôn sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy có ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Nhờ có sự tìm tòi, sáng tạo trong cách soạn bài theo hướng tích hợp và đổi mới phương pháp dạy học đã phát huy được tinh thần tự học của học sinh. Nhờ đó, anh đã bồi dưỡng được 8 học sinh giỏi đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Năm học 2022 - 2023 anh Bàn Văn Dần đã thực hiện sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp rèn kỹ năng thực hành hóa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Hóa học cho học sinh khối 8, 9 Trường phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Nông năm học 2022 - 2023” đã được Hội đồng Sáng kiến huyện Na Hang xếp loại B, Công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục năm học 2022-2023 của UBND huyện Na Hang.

Với những đóng góp tích cực trong công tác giáo dục, anh Bàn Văn Dần đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Giáo dục và địa phương.                             
                                                                                                                                                           Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục