Năng động, tự tin, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong khuôn khổ chuyến đi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, làm việc với các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn tại Hoa Kỳ và gặp gỡ doanh nghiệp, kiều bào, bạn bè nước ngoài yêu mến Việt Nam.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Ajay Banga. (Ảnh TTXVN)

Các hoạt động phong phú, sôi động diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình, trao đổi những nội dung thiết thực, mang đến cảm nhận về một Việt Nam năng động, cởi mở, tự tin, đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên vươn xa.

Nhịp điệu hội nhập

Chuyến công tác, làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm, trong đó có Chương trình “Gắn kết qua nghệ thuật”. Những tác phẩm âm nhạc với ý nghĩa giao lưu văn hóa đã được trình diễn, trong đó có một nhạc phẩm ấn tượng do nhà soạn nhạc, nghệ sĩ saxophone Henry Threadgill sáng tác riêng cho chương trình mang tên “Phở”.

Khi bản nhạc mang cái tên rất Việt Nam ấy vang lên, giai điệu Jazz mạnh mẽ, phóng khoáng, những khán giả lắng nghe vui thích, cảm nhận một nhịp điệu giao lưu rất mới mẻ. Phải chăng đó cũng chính là nhịp điệu hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn mới, độc lập, tự chủ, tự tin, cởi mở đối thoại, giao lưu để học hỏi vươn xa.

Tony Bùi, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt, chia sẻ cảm nhận: Nghệ thuật có sức gắn kết rất lớn lao. Mỗi tiết mục có sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, phương Đông và phương Tây, như một sợi chỉ trên tấm thảm đa sắc mà chúng ta đang cùng dệt, tấm thảm đại diện cho sự gắn kết, thấu hiểu và một tương lai chung.

Tại sự kiện này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là một hành trình hiếm có, 30 năm qua, hai bên đã cùng chung tay tạo nên điểm nhấn lịch sử về một hình mẫu trong quan hệ quốc tế, ví như một bức tranh đẹp được dệt nên bởi sự đóng góp, công lao của nhiều người, cả những nhà lãnh đạo tiêu biểu và cả những người âm thầm chưa được biết hết mặt, thuộc hết tên.

Nếu ví mỗi hành động dù nhỏ bé như một sợi chỉ, khi được đan kết lại, gắn kết nhau sẽ dệt nên bức tranh tương lai, dệt nên những điều phi thường. Quan hệ song phương ngày càng phát triển ổn định, thực chất, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và quốc tế.

Trong các cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao; đưa hợp tác khoa học-công nghệ cao (bán dẫn, AI), đào tạo nhân lực chất lượng cao trở thành đột phá chiến lược trong quan hệ hai nước; tiếp tục dành ưu tiên cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ lợi ích và các quan tâm chính đáng của nhau…

Hiện thực hóa thông điệp đó, ngay trong những ngày Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ở New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các thành viên chính thức đã có những cuộc tiếp các đại diện tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư lớn tại Mỹ; gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nghiệp hàng đầu ở quốc gia này và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch Tập đoàn Apple đánh giá cao triển vọng đầu tư và cho rằng Việt Nam không chỉ là thị trường tuyệt vời, mà còn là một trọng điểm sản xuất của Apple để cung cấp hàng hóa của mình cho thế giới. Nhiều sản phẩm trọng yếu của Apple ngày nay đang được sản xuất tại Việt Nam và nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cho nên tập đoàn đang phát triển, mở rộng sản xuất.

Theo ông Wally Liaw, nhà sáng lập và là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh Supermicro, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, nhất là việc Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Ông đánh giá cao cơ hội phát triển tại Việt Nam và cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ các khách hàng nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung phát triển AI.

Ông Jake Siewert, Giám đốc điều hành Warburg Pincus, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu cho biết, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Ông bày tỏ mong muốn tìm hiểu và tiếp tục đầu tư thêm, mong phía Việt Nam tích cực đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc...

New York - một trong những thành phố phát triển nhất thế giới vốn luôn trong nhịp điệu gấp gáp, những ngày này càng náo nhiệt bước chân của đoàn đại biểu các nước thành viên Liên hợp quốc. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cũng đã hòa cùng nhịp điệu sôi động đó; qua đó khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Khát vọng vươn xa

Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.

Thực tế cho thấy để thực hiện cam kết đó, nền kinh tế của đất nước phải phát triển, trước hết là để chăm lo tốt cuộc sống của nhân dân, sau đó là đủ năng lực đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, bên cạnh hoàn thiện thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng, để bảo đảm các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn tới.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2030 cũng đã nêu rõ: Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Thực hiện mục tiêu chiến lược đó, trong những ngày ở New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và thành viên trong Đoàn đã có cuộc làm việc với Đại học Columbia, tổ chức giáo dục hàng đầu tại Mỹ và gặp gỡ các chuyên gia, học giả, trí thức người Việt ở Mỹ để trao đổi kinh nghiệm, khơi dậy mong muốn hợp tác, thúc đẩy động cơ đầu tư, đóng góp cho Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ với các chuyên gia, học giả về những định hướng lớn trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới của Việt Nam là tập trung xây dựng, hoàn thiện và đổi mới đồng bộ thể chế phát triển đất nước; phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi.

Chia sẻ của nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, học giả, đồng thời truyền cảm hứng cho các trí thức người Việt và các chủ doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài về những ý tưởng đầu tư công nghệ và nguồn lực cho đất nước. Các chuyên gia, học giả tại Đại học Columbia đều đánh giá Việt Nam có tiềm năng để duy trì nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao dựa trên động lực tăng trưởng là các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và cải thiện môi trường đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, lấy hạ tầng là cơ sở nền tảng và khu vực tư nhân là một trong những động lực để Việt Nam thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo... Ông Vũ Văn Lê, trí thức người Việt đang sinh sống tại thành phố Houston (bang Texas, Hoa Kỳ) bày tỏ xúc động khi được biết Đảng, Nhà nước ta chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế, tăng cường thu hút các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng.

Ông cho biết, ở Mỹ, lĩnh vực chuyên môn nào cũng có người Việt Nam tài giỏi, từ kỹ sư, bác sĩ cho tới chuyên gia về công nghệ, khoa học, trí tuệ nhân tạo. Họ đều mong muốn được cống hiến, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của các lĩnh vực trong nước, góp phần đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên phát triển mới.

Trong buổi gặp gỡ đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ, có thể thấy rõ sự phấn khởi, nhiệt huyết ở nhiều gương mặt trẻ. Các bạn cho biết, Mạng lưới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp nhằm xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, chia sẻ để cùng lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển ở nước sở tại và góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Đã có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Mạng lưới này.

Trong đó, nhiều thành viên đã tới Việt Nam khởi nghiệp hoặc chuyển trụ sở công ty về nước, không chỉ đem đến lợi ích kinh tế mà còn góp phần chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Một số chuyên gia là thành viên Mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bày tỏ mong muốn được giới thiệu nhiều doanh nghiệp tới đầu tư tại Việt Nam.

Chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới cũng là lần đầu một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc được các nước bạn bè, các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế rất quan tâm, tìm kiếm cơ hội giao lưu, chia sẻ. Qua đây, Việt Nam đã nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Với thế và lực mới của đất nước; với quan điểm phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và yếu tố thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá, Việt Nam đã sẵn sàng cho một khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Nhân Dân/TTXVN

Tin cùng chuyên mục