Nhiệt độ kỷ lục trong đợt nắng nóng hồi tháng 5 và tháng 6 đã khiến ít nhất 125 người ở Mexico thiệt mạng. Ảnh: Ulises Ruiz
Nắng nóng kỷ lục đã khiến ít nhất 125 người Mexico tử vong và hàng nghìn người khác bị say nắng. Trong báo cáo, WWA đã phân tích 5 ngày đêm nóng nhất liên tiếp trong một "vòm nhiệt" kéo dài trên vùng Tây Nam Mỹ, Mexico, Guatemala, Belize, El Salvador và Honduras vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Các nhà khoa học đã tiên phong trong việc sử dụng các mô hình khí hậu để nghiên cứu những sự kiện cực đoan này đã thay đổi như thế nào trong một thế giới ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Họ kết luận "sự nóng lên do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhiệt độ tối đa kéo dài 5 ngày nóng hơn khoảng 1,4 độ và có khả năng cao hơn khoảng 35 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp".
Karina Izquierdo, cố vấn đô thị khu vực Mỹ Latinh và Caribe tại Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ cho biết: “Mức nhiệt tăng thêm 1,4 độ C do biến đổi khí hậu sẽ là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với nhiều người trong tháng 5 và tháng 6. Bên cạnh việc giảm khí thải, chính phủ và các thành phố cần thực hiện các bước để chống chọi trước sức nóng”.
Ở Mexico và Trung Mỹ, tác động của nắng nóng ngày càng gia tăng do điều kiện nhà ở xuống cấp, khả năng tiếp cận dịch vụ làm mát bị hạn chế và đối với những người sống ở các khu định cư không chính thức. Nhiệt độ cực cao cũng đe dọa sự ổn định của nguồn cung cấp điện, điều này rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ là nguyên nhân nguy hiểm nhất trong tất cả các loại thời tiết khắc nghiệt nhưng thường bị chủ quan, đặc biệt là trẻ em, người già và những người làm việc ngoài trời.
WWA cho biết, khi thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, dự kiến sẽ có thêm hàng triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm trong tương lai. Năm nay là năm nóng kỷ lục và nhiều vùng rộng lớn trên thế giới bắt đầu phải chịu đựng nhiệt độ nóng bỏng trước mùa hè ở Bắc bán cầu.
Hy Lạp đã ghi nhận đợt nắng nóng sớm nhất từ trước đến nay, Ấn Độ phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài hàng tháng trời, trong khi Mỹ đang phải đối phó với cháy rừng và tình trạng nắng nóng như thiêu đốt. Tại Saudi Arabia, ít nhất 900 người thiệt mạng trong cuộc hành hương Hajj hằng năm, chủ yếu là do nắng nóng với nhiệt độ ở Mecca lên tới 51,8 độ C ngày 17-6.
Gửi phản hồi
In bài viết