Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob thăm cấp Nhà nước Việt Na vào tháng 10/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Hasanal Bolkiah, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Singapore và Brunei Darussalam từ ngày 8-11/2.
Đây là chuyến thăm Singapore và Brunei đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ tới Singapore sau 5 năm và tới Brunei sau 15 năm.
Chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore phát triển năng động, mạnh mẽ trên các lĩnh vực.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Với Brunei Darussalam, chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Hai nước đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Chuyến thăm nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Singapore và Việt Nam-Brunei Darussalam.
Đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore lên tầm cao mới
Những năm gần đây, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Singapore diễn ra tốt đẹp.
Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước được duy trì thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua với các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Singapore (tháng 2/2022); Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam (tháng 5/2022); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat thăm chính thức Việt Nam (tháng 9/2022); Tổng thống Singapore Halimah Yacob thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (tháng 10/2022).
Về đầu tư, thương mại, Singapore là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực.
Tổng kim ngạch thương mại năm 2022 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 8,3 tỷ USD).
Singapore giữ vị trí dẫn đầu trong ASEAN và thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.032 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 70,39 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước với 12 khu VSIP tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 900 dự án, tạo gần 300.000 việc làm.
Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob nghe giới thiệu mô hình Khu Công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trong các chuyến thăm cấp cao gần đây, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về một số phương hướng hợp tác lớn, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, hợp tác theo chuỗi trong sản xuất.
Bên cạnh đó, cùng với hợp tác quốc phòng, an ninh, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch... cũng được củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất.
Singapore là thành viên quan trọng, có tiếng nói trong ASEAN, tại diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế.
Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; thúc đẩy hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương (Liên hợp quốc, ASEAN, APEC...), các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cả hai nước cùng tham gia, ký kết (CPTPP, RCEP).
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm khẳng định đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực và đi vào triển khai, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Brunei
Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/2/1992; nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam tới Việt Nam vào tháng 3/2019.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40-41 tại Campuchia (10-13/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp kiến Quốc vương Brunei.
Tháng 6/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao II Brunei nhân dịp tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Darussalam Dato Erywan Pehin Yusof. (Ảnh: Ngọc Anh/TTXVN)
Về cơ chế hợp tác, tháng 6/2000, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC) do Bộ trưởng Ngoại giao làm Chủ tịch phân ban. Đây là cơ chế hợp tác duy nhất giữa Việt Nam và Brunei nhằm rà soát và định hướng phát triển quan hệ hai nước, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Tháng 2/2017, hai nước tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất JCBC tại Hà Nội. Kỳ họp lần thứ 2 JCBC được tổ chức từ ngày 6-8/9/2022 tại Bandar Seri Begawan, Brunei.
Trong hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, Brunei Darussalam là thị trường nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 725,8 triệu USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2025 mà Lãnh đạo hai nước đã đặt ra.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 310 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2020 (281 triệu USD); trong đó, Việt Nam nhập khẩu 275 triệu USD (chủ yếu là hóa chất), xuất khẩu 35 triệu USD (chủ yếu là mặt hàng hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác).
Trong thời gian tới, hai bên có nhu cầu thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực có tiềm năng như nông lâm thủy sản, thực phẩm Hồi giáo Halal, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp Brunei.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2022, Brunei đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 157 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 971 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Theo địa bàn đầu tư, dẫn đầu là tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Bình, Phú Thọ.
Về hợp tác đa phương, Brunei ủng hộ Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế như: Tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO 2015-2019; Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018; ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
Hai nước cũng hợp tác tốt trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực, quốc tế khác.
Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, hợp tác hai nước được tăng cường trong khuôn khổ song phương và ASEAN.
Hai bên thúc đẩy hợp tác biển và đại dương, trong đó có hỗ trợ các hoạt động nghề cá, triển khai liên doanh khai thác, mở rộng hợp tác nuôi trồng, chế biến thủy hải sản...
Trong hợp tác năng lượng, hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực dầu khí. Trong lĩnh vực khoan, PV Drilling đã chính thức thành lập Chi nhánh tại Brunei, tạo điều kiện cho việc triển khai Hợp đồng đã ký, cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường tại nước sở tại.
Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (tháng 5/2013) và tiến hành dự án thí điểm trồng lúa nước tại Brunei Darussalam nhằm hỗ trợ Brunei đảm bảo an ninh lương thực (từ tháng 9-12/2013).
Hai bên đã tổ chức cuộc họp Nhóm Công tác chung trong lĩnh vực thủy sản thường niên luân phiên giữa hai nước tại Brunei năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và Brunei năm 2017.
Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục tháng 4/2014. Hợp tác giữa Đại học Quốc gia Brunei và Đại học FPT, với tên gọi FPT - UBD Global Centre, thành lập năm 2017 tại Đà Nẵng nhân chuyến thăm của Quốc vương, là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, được phía Brunei Darussalam đặc biệt quan tâm.
Hai nước cũng miễn thị thực cho công dân của mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông đi du lịch, đang đàm phán để kéo dài thời hạn miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, ngoại giao và công vụ.
Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác du lịch (tháng 11/2011), tuy nhiên việc triển khai còn hạn chế, trao đổi khách giữa hai nước chưa nhiều.
Giao thông đường hàng không giữa hai nước chưa thực sự thuận tiện khi chỉ có một đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh-Brunei do Hãng hàng không quốc gia Brunei khai thác từ năm 2014.
Cộng đồng Việt Nam tại Brunei Darussalam tính đến tháng 11/2022 có khoảng gần 300 người, gồm một số lưu học sinh đang theo học chương trình đào tạo Tiến sỹ tại trường Đại học quốc gia Brunei (UBD) và hơn 200 người đang sống và làm việc ở sở tại.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân thể hiện sự coi trọng và mong muốn tạo xung lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam và hai nước láng giềng gần gũi trong ASEAN; trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và thúc đẩy thương mại, đầu tư...; hợp tác, phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tăng cường phối hợp trong ASEAN và các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết