Nếu anh không về trong buổi chiều nay
Em đừng buồn và âu lo quá nhé
Nhớ đón con và động viên cha mẹ
Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên...
Bao nhiêu người cũng rất muốn đoàn viên
Nhưng Covid đang tràn lan đất nước
Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được
Khi các bạn anh, bạc tóc, hao gầy
Ai cũng mong cho đất nước mỗi ngày
Không còn tin, người nhiễm thêm ca mới
Thương Tổ quốc, em ở nhà hãy đợi
Hết dịch rồi, anh sẽ lại về thôi...
….
Cả thế giới chìm một mầu tang tóc
Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc
Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân...
Anh không về, vì dân tộc đang cần
Chào em yêu, đồng đội anh đang đợi
Nếu ngày mai, anh mãi xa vời vợi
Đừng khóc nghe em... Anh chẳng yên lòng…”
Vũ Tuấn
Anh hiện là hội viên Chi hội thơ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. “Nếu anh không về” ra đời đã được độc giả đón nhận; có rất nhiều các cơ quan báo chí, văn nghệ ở trung ương và địa phương đăng tải, giới thiệu. Đặc biệt tác phẩm được hơn 20 nhạc sĩ phổ nhạc, phát trên nhiều kênh truyền hình như: Hà Nội, VTV1, VOV…
Vũ Tuấn trải lòng rằng: “Khi viết bài thơ, tôi khóc. Tôi đã đặt mình vào vị trí của những người nơi tuyến đầu để cảm nhận sự vất vả, hy sinh thầm lặng của họ. Và mạch nguồn thi ca cứ thế tuôn chảy bằng sự chân thành nhất từ con tim”.
Bài thơ như một lời tự sự, giãi bày, xoáy sâu vào tâm khảm người đọc với sự trân trọng, biết ơn. Đó là những y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; những người lính căng mình trên các tuyến biên giới ngăn chặn mọi hành vi xuất nhập cảnh trái phép; những chiến sỹ bộ đội, công an chấp nhận “màn trời, chiếu đất” nhường chỗ cho đồng bào trong khu cách ly… Vất vả, gian lao là thế nhưng họ vẫn kiên cường, bản lĩnh, kìm lòng mình lại để trấn an, vỗ về “hậu phương” bằng tình cảm tha thiết: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/Em đừng buồn và âu lo quá nhé/ Nhớ đón con và động viên cha mẹ/Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên...”.
Hẳn ai sau mỗi ngày lao động vất vả đều mong muốn có buổi tối quây quần cùng gia đình, cùng nhau ăn bữa cơm, vợ chồng chuyện trò vui đùa cùng con cái. Nhưng với những người nơi tuyến đầu chống dịch, khi Tổ quốc gọi, khi sức khỏe đồng bào bị đe dọa, họ sẵn sàng lên đường, gác lại tình riêng, lo lắng cho an nguy người bệnh. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho dân tộc. Lời thơ cũng tiếp nối như mạch nguồn tuôn chảy, vẫn giọng điệu chậm rãi, vẫn ngắt nghỉ câu theo nhịp điệu dứt khoát thể hiện sự khẳng khái, quyết tâm của người xông pha tiền tuyến: “Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc/Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân.../Anh không về, vì dân tộc đang cần/ Chào em yêu, đồng đội anh đang đợi”.
Bài thơ nhẹ nhàng, không đao to búa lớn nhưng đã có sức mạnh truyền lửa nhiệt huyết, khơi dậy tình yêu đất nước, quê hương. Để sống một cuộc đời trọn vẹn nghĩa là chúng ta phải biết hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc vì nhân dân. Mỗi người Việt Nam, ngay lúc này cần sự đồng lòng, đoàn kết để tạo thành trì, sức mạnh vững chắc đẩy lùi đại dịch, chiến thắng Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết