Ngày 27/3, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Hợp tác kinh tế, Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moskva có thể yêu cầu bồi thường liên quan đến các thiệt hại do các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc hồi năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn của RIA, ông Birichevsky cho biết: "Chúng tôi không loại trừ sẽ nêu vấn đề bồi thường thiệt hại do vụ nổ các đường ống Dòng chảy phương bắc".
Theo ông Birichevsky, hiện rất khó nói về tương lai của các đường ống này, mặc dù các chuyên gia cho biết có thể phục hồi các đoạn đường ống bị hư hại.
Điện Kremlin cho rằng tất cả các cổ đông có trách nhiệm quyết định có tạm dừng hoạt động các đường ống Dòng chảy phương bắc hay không.
Trước đó, hãng Reuters dẫn các nguồn tin cho biết hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 1 và Dòng chảy phương bắc 2 sẽ bị niêm phong và ngừng hoạt động vì hiện chưa có kế hoạch sửa chữa hay tái khởi động.
Ông Birichevsky cho biết các nước phương Tây đang phản đối 1 dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Nga soạn thảo kêu gọi tiến hành 1 cuộc điều tra quốc tế độc lập về các vụ nổ trên các đường ống Dòng chảy phương bắc.
Ông khẳng định Moskva sẽ tiếp tục yêu cầu 1 cuộc điều tra quốc tế công khai, toàn diện và phải có sự tham gia của đại diện Nga.
Theo kế hoạch, trong ngày 27/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trên. Việc bỏ phiếu dự kiến diễn ra sau 22 giờ theo giờ Moskva (khoảng 2 giờ sáng 28/3 giờ Việt Nam).
Dự thảo nghị quyết đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thành lập 1 ủy ban quốc tế độc lập để tiến hành một cuộc điều tra khách quan, minh bạch và toàn diện tất cả các khía cạnh của hành động phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc.
Để được thông qua, dự thảo nghị quyết này cần phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 9 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương bắc 1 và 2. Trong số này, 2 vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và 2 vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga cáo buộc nhau gây ra các vụ nổ này.
Nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh cho rằng Hải quân Mỹ đứng sau vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương bắc. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.
Gửi phản hồi
In bài viết