Châu Âu
Nga thông báo có thêm 820 tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong cao chưa từng có tại Nga trong bối cảnh gia tăng số ca mắc Covid-19 do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh, trong khi tốc độ tiêm chủng ở nước này đang chững lại. Tính đến nay, tổng số ca tử vong ở Nga đã lên tới 179.243 ca, cao nhất châu Âu. Cũng trong ngày, Nga ghi nhận 19.630 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 6.824.540 người.
Tại Trung và Đông Âu, Chính phủ Slovakia quyết định các hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng từ tuần tới đối với 14/79 huyện do sự lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã tăng trở lại. Mức độ rủi ro dịch bệnh thấp sẽ không được áp dụng, đặc biệt ở phía Đông và một số vùng ở miền Trung và miền Nam Slovakia.
Theo thông tin của Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, sự lây lan dịch bệnh đã tăng nhẹ trong vài tuần qua với tỷ lệ 2,7% các mẫu được phân tích có kết quả dương tính. Các hạn chế nghiêm ngặt hơn cũng sẽ tiếp tục được áp dụng ở quận Poprad, bao gồm cả vùng núi Tatras (phía Bắc Slovakia), nơi có những đỉnh núi cao nhất là điểm đến thường xuyên của du khách trong và ngoài nước. Hiện tại, 12 quận của Slovakia đã được xếp vào mức nguy cơ dịch bệnh thứ hai.
Trên thực tế, các biện pháp áp dụng ở mức thứ 2 trên quy mô 5 bậc của hệ thống chống dịch quốc gia được biểu hiện chủ yếu bằng việc hạn chế một số hoạt động và các sự kiện tập trung đông người. Các cơ sở lưu trú chỉ có thể tiếp nhận khách đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc yêu cầu du khách có chứng nhận đã được tiêm phòng, hoặc xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Slovakia mong muốn người dân quan tâm hơn đến việc tiêm chủng sau khi có sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 ở nước này. Tỷ lệ tiêm phòng ngừa Covid-19 trên toàn quốc mới chỉ đạt mức khoảng 43% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin đầu tiên, trong khi trung bình ở EU, tỷ lệ này đã lên tới 64%.
Đức cho biết đã nhận được khoản hỗ trợ đầu tiên trong tổng số trên 25 tỷ euro từ Quỹ tái thiết châu Âu nhằm hỗ trợ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Với Quỹ tái thiết trị giá khoảng 750 tỷ euro, Ủy ban châu Âu (EC) muốn hỗ trợ các nước thành viên sớm phục hồi nền kinh tế và đi trên đôi chân của chính mình sau đại dịch. Khoản hỗ trợ đầu tiên trị giá 2,25 tỷ euro, tương đương 9% trong tổng số 25,6 tỷ euro mà Đức sẽ nhận được đã được chuyển cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Theo kế hoạch, Đức sẽ sử dụng phần lớn số tiền nhận được từ Quỹ tái thiết để phát triển công nghệ hydro thân thiện với môi trường, các dịch vụ công kỹ thuật số cũng như hiện đại hóa và số hóa các bệnh viện.
Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) cho biết, số ca tử vong trung bình do vi rút SARS-CoV-2 đang tăng mạnh ở mức 74% so với tuần trước, nâng tổng số người chết kể từ đầu đại dịch ở Bỉ lên 25.348 người. Trung bình mỗi ngày có 1.967 ca mắc mới được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước.
Hơn 8,36 triệu người Bỉ đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên, chiếm 85% dân số trưởng thành và 72,6% tổng dân số Bỉ. Trong khi đó, hơn 7,92 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 82,7% dân số trưởng thành ở Bỉ, và 68,8% tổng dân số.
Ủy ban Tham vấn của Bỉ về Covid-19 đã họp để thảo luận về tình hình dịch tễ học tại quốc gia này cũng như các biện pháp nới lỏng có thể được thực hiện kể từ ngày 1-9 nếu tình hình dịch bệnh khả quan.
Châu Á - châu Đại Dương
Tại Campuchia, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 và số ca nhiễm biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 tại các tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt tại 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan, thành phố Stung Treng tiếp tục phong tỏa cho đến hết tháng 8-2021 và tỉnh Siem Reap đã phải xác lập "Vùng Vàng đậm" để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ đã được thông báo áp dụng trở lại tại một số tỉnh của Lào. Bộ Y tế Lào đã đặt mua thêm 32 xe cứu thương chuyên dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cả trung ương và các tỉnh có số ca bệnh cao tại miền Nam nước này.
Tại Nhật Bản, các chuyên gia y tế cảnh báo, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thủ đô Tokyo đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát và nguy cơ khủng hoảng về y tế là hiện hữu nếu không được ngăn chặn hiệu quả, thậm chí trường hợp bất lực không thể cứu được người dân sẽ gia tăng nhanh chóng.
Các chuyên gia kêu gọi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương và người chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Trong 24 giờ qua, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao với 4.704 ca, số ca bệnh nặng là 276 ca, chỉ giảm 1 ca so với ngày 25-8.
Trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng ở Australia đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca, trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh ở thành phố Sydney. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới ở Australia vượt ngưỡng 1.000 ca.
Theo thông báo của Thủ hiến bang New South Wales Berejiklian, sau khi bang này đạt mục tiêu thực hiện 6 triệu mũi tiêm vắc xin, chính quyền cho phép tối đa 5 người đã tiêm đầy đủ được tụ tập ở không gian ngoài trời tại các khu vực không thuộc danh sách điểm nóng của Covid-19.
Thủ hiến Berejiklian thừa nhận, tháng 9 và tháng 10 tới sẽ là những tháng "khó khăn" đối với người dân ở các khu vực bị phong tỏa và ngày càng khó để đạt được mục tiêu "COVID Zero", đưa số ca mắc Covid-19 về 0.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, tình hình đại dịch ở bang New South Wales đã có "ánh sáng cuối đường hầm" khi số người tiêm chủng tiếp tục tăng và chính quyền bang đang xem xét kế hoạch nới lỏng một số hạn chế vào tháng 9 tới khi tỷ lệ tiêm chủng tại đây đạt ngưỡng 70%.
Hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân của Australia vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa vì dịch Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết