Trụ sở Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Getty Images
Ngày 17/3, phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov chỉ trích động thái của ICC ban hành lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin là “thái quá”. Ông Peskov nêu rõ, cũng như nhiều quốc gia, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi bất kỳ tuyên bố nào của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý.
Trước đó cùng ngày, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga V.Putin và Ủy viên của Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh” khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.
Phản ứng trước phán quyết của ICC, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, Moskva coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Tổng thống Nga là "hành vi xâm lược". Ông Volodin nêu rõ, sức mạnh của Tổng thống Putin nằm ở sự ủng hộ của người dân và đoàn kết xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, đối với Nga, các quyết định của ICC không có ý nghĩa. Nga không phải một bên của Quy chế Rome về ICC và Nga không có nghĩa vụ tuân theo quy chế này.
Trong khi đó, hãng tin TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ cho rằng phán quyết của ICC về ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga "có thể hợp lý", song Mỹ không công nhận quyết định này.
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) được thành lập theo hiệp ước quốc tế “Quy chế Rome” năm 1998. Mỹ đã ký văn bản này nhưng sau đó rút lui. Moskva cũng ký hiệp ước năm 2000, nhưng không phê chuẩn. Năm 2016, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh về việc Nga từ chối tham gia ICC.
Gửi phản hồi
In bài viết