Nga tìm cách chặn đà mất giá của đồng ruble

Các lệnh trừng phạt của phương Tây những ngày qua đã làm chao đảo nền kinh tế Nga, đẩy giá trị đồng nội tệ Nga giảm hơn 30% so với đồng USD và hiện duy trì quanh mức 100 ruble/USD. Các hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu cũng bị gián đoạn.

Dòng người xếp hàng chờ sử dụng ATM tại Saint Petersburg (Nga) ngày 27/2 (Ảnh: Reuters)

Theo các chuyên gia, việc đồng ruble mất giá mạnh sẽ làm giảm mức sống của người dân Nga. Những biện pháp trừng phạt lần này không chỉ nhằm vào giới thượng lưu, mà cả những gia đình trung lưu chi tiêu phần lớn thu nhập cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo, đồng thời phụ thuộc các sản phẩm nhập khẩu.

Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái tiếp tục nới rộng cách biệt và nhiều nước hạn chế giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, Tổng thống Nga V.Putin ngày 2/3 đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế tạm thời, nhằm bảo đảm ổn định tài chính. Theo đó, từ ngày 2/3/2022, cấm đưa khỏi Nga số ngoại tệ tiền mặt và các công cụ tiền tệ bằng ngoại tệ với giá trị vượt quá 10.000 USD, tính theo tỷ giá chính thức của Ngân hàng Trung ương Nga tại thời điểm đó.

Để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga cũng yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu ngoại tệ ra thị trường. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết sẽ tăng cường cung cấp tiền mặt cho các máy ATM, để đối phó nhu cầu có thể tăng đột biến. Một công ty con ở châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, cho biết họ đã ghi nhận dòng tiền gửi lớn được rút trong thời gian rất ngắn.

Lần gần đây nhất Nga đối mặt cuộc “khủng hoảng tiền mặt” là vào năm 2014, khi giá dầu giảm mạnh sau các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, liên quan việc bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Kể từ đó đến nay, Chính phủ Nga đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc đồng ngoại tệ.

Số liệu thống kê cho thấy, nếu các lệnh trừng phạt hồi năm 2014 đã làm giảm đà tăng trưởng kinh tế Nga tới 3% mỗi năm, thì những lệnh trừng phạt mới lần này, được đánh giá là “chưa từng có và rất nghiêm trọng”, nhiều khả năng sẽ gây khó khăn gấp nhiều lần cho nền kinh tế Nga.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia nhận định, Chính phủ Nga sẽ phải can thiệp để hỗ trợ các ngành công nghiệp, ngân hàng và các khu vực kinh tế chịu tác động. 

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục