Tổng thống Mỹ J.Biden hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh SPUTNIK
Thông cáo báo chí được Nga và Mỹ đưa ra sau hội nghị cấp cao trực tuyến cho biết, Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đã thảo luận hàng loạt vấn đề trong chương trình nghị sự giữa hai nước. Theo Điện Kremlin, hai bên cũng trao đổi quan điểm về việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao Nga-Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6, thúc đẩy đối thoại về an ninh mạng, vấn đề hạt nhân Iran... Liên quan vấn đề Ukraine, việc thực hiện các thỏa thuận Minsk năm 2015 là nội dung chủ yếu trong hội đàm. Trước những bình luận của Tổng thống Mỹ về hoạt động di chuyển của quân đội Nga tại khu vực biên giới giáp Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng, NATO đang thực hiện những nỗ lực nguy hiểm khi tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga. Quan điểm của Tổng thống Putin là Nga muốn có được sự bảo đảm NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông cũng như cam kết không triển khai các loại vũ khí tới các quốc gia gần biên giới với Nga, trong đó có Ukraine. Tổng thống Putin cũng đề xuất với người đồng cấp Mỹ về việc hai nước cùng dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các cơ quan đại diện ngoại giao của nhau ở mỗi nước.
Trong khi đó, Nhà trắng cho biết, cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài khoảng 2 giờ. Tổng thống Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề Ukraine, thể hiện rõ quan điểm rằng Mỹ và các đồng minh sẽ có các biện pháp kinh tế mạnh mẽ trong trường hợp leo thang quân sự. Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi giảm leo thang và nhấn mạnh tới các biện pháp ngoại giao. Theo Nhà trắng, hai nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho nhóm công tác của hai nước tiếp tục làm việc. Hai bên cũng thảo luận thúc đẩy đối thoại Mỹ-Nga về ổn định chiến lược, đối thoại riêng biệt về phần mềm mã độc tống tiền, cũng như hợp tác chung về các vấn đề khu vực, như Iran.
Cuộc đối thoại cấp cao lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng, thậm chí được cho là xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, xuất phát từ tranh cãi trong một số vấn đề như an ninh mạng, Syria và Ukraine. Quan hệ song phương bị “đổ thêm dầu vào lửa” do vấn đề mở rộng của NATO và sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Hồi cuối tháng 11, Đại sứ Nga tại Mỹ cho biết, Washington đã thông báo 27 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình của họ phải rời Mỹ muộn nhất là vào ngày 30/1/2022. Nhằm đáp trả động thái này, Moskva ra yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ phải về nước trước ngày 31/1/2022.
Cuộc đối thoại trực tuyến giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ được cho là mở ra các kênh liên lạc giữa hai nước và là bước khởi đầu cho hy vọng sẽ có những tiến triển theo hướng tích cực trong tương lai. Cả Nga và Mỹ vẫn cho rằng ngoại giao là giải pháp có trách nhiệm duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng mà hai bên đang đối mặt. Việc mở ra các kênh liên lạc, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng leo thang, là hết sức cần thiết.
Mặc dù giữa Nga và Mỹ còn nhiều khúc mắc, song hai bên vẫn bày tỏ thiện chí hợp tác để ứng phó các thách thức chung trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Tại hội nghị cấp cao hồi tháng 6 ở Geneva, Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí khởi động đối thoại ổn định chiến lược với sự tham gia của các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự hai nước nhằm tạo cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được mô tả là diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, đề cập những vấn đề nóng và có thể nói là “nhạy cảm” trong quan hệ hai nước. Giới quan sát cho rằng, mặc dù lập trường khó có thể dung hòa, song hai bên đều thể hiện kiềm chế và cam kết giảm căng thẳng, hướng tới một mối quan hệ ổn định giữa Nga và Mỹ, đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết