Nhân viên VinaPhone chụp ảnh khách hàng, bảo đảm chính xác thông tin thuê bao nhằm ngăn chặn sim rác. Ảnh: THANH HÀ
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong tháng 5, qua công tác nghiệp vụ, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) đã phát hiện đường dây phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn do nhóm đối tượng Vũ Bích Hòa và Hoàng Thu Trang ở địa bàn TP Hà Nội cầm đầu. Hai đối tượng này nhận yêu cầu quảng cáo của khách, sau đó liên hệ chuyển thông tin cho các nhóm đối tượng kỹ thuật ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương phát tán tin nhắn rác. Đi sâu vào điều tra, A05 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương tiếp tục phát hiện bốn đối tượng: Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 1993), Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1996) cùng trú tại TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1990) và Lê Văn Hậu (sinh năm 1984) cùng trú tại TP Hải Dương đang thực hiện hành vi phát tán số lượng lớn tin nhắn trên không gian mạng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn rác, gồm: chín hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn với tổng cộng 384 cổng kết nối sim, 20 điện thoại thông minh, 180 điện thoại phát tán tin nhắn, hơn 7.100 sim điện thoại, bốn máy tính để bàn và ba máy tính xách tay. Các đối tượng khai nhận, từ khi hoạt động đến nay đã phát tán hàng trăm triệu tin nhắn rác bao gồm các tin nhắn quảng cáo bất động sản, làm giấy tờ giả, trò chơi cờ bạc, tín dụng đen,… qua đó hưởng lợi hàng tỷ đồng.
Sim rác với hệ lụy là tin nhắn và cuộc gọi rác từ lâu đã trở thành vấn nạn, vừa gây nhiều phiền toái cho người sử dụng điện thoại di động, vừa tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội. Theo A05, việc các đối tượng phát tán tin nhắn rác với số lượng đặc biệt lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như tán phát, tuyên truyền thông tin xấu chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, kích động biểu tình; quảng bá, lôi kéo người dân tham gia đánh bạc, làm bằng giả, tín dụng đen, mê tín dị đoan,… Muốn ngăn chặn các hệ lụy này, giải pháp duy nhất là phải dẹp bỏ được tin nhắn rác. Những tháng đầu năm 2021, Cục Viễn thông một lần nữa cảnh báo dấu hiệu phức tạp trở lại của sim rác.
Đòi hỏi giải pháp quyết liệt hơn nữa
Trước thực trạng tin nhắn rác có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả hiện tượng tin nhắn từ nước ngoài được “đổ” qua sim rác và gửi tới các thuê bao trong nước, một lần nữa Cục Viễn thông phải triệu tập ba nhà mạng lớn là VNPT, Viettel và Mobifone để cùng trao đổi, tiến tới thống nhất bổ sung các biện pháp mới nhằm tăng cường xử lý sim rác. Theo đó, việc kích hoạt thuê bao của các nhà mạng từ nay sẽ được thực hiện trên hệ thống tập trung, do chính nhân viên của nhà mạng thực hiện. Nhân viên đại lý chỉ được hỗ trợ bán hàng, nhập liệu thông tin thuê bao (nếu có). Ngoài ra, các giải pháp công nghệ cũng sẽ được áp dụng như việc gọi video call (cuộc gọi có hình) để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao.
Đặc biệt, các nhà mạng cũng đồng ý bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị của doanh nghiệp nếu để xảy ra sai phạm. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, giải quyết vấn nạn sim rác không chỉ cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý liên quan. Ngay trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cũng như tăng cường các nội dung, biện pháp của doanh nghiệp trong việc xử lý sim rác.
Gửi phản hồi
In bài viết