Một cơ sở sấy giun đất tại xã Xuân Vân (Yên Sơn) bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Một bộ kích điện đơn giản nhưng có thể đấu nối cùng lúc đến 8 thiết bị dẫn điện vào lòng đất. Khi vận hành, không chỉ giun mà toàn bộ các sinh vật sống tại khu vực cắm điện đều phải bò ra ngoài. Thao tác không có gì phức tạp nhưng đem lại thu nhập cao khiến nhiều người dân dễ dàng đồng ý tham gia kích điện, bắt giun đất cho thương lái.
Anh N.V.Đ, thôn Minh Tân, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã từng tham gia dùng kích điện, bắt giun đất. Anh Đ. cho biết, 1 ngày anh có thể bắt được 10 kg giun sống, với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn ngày nhiều cũng phải 30 kg. Sau khi được công an tuyên truyền, biết việc làm của mình là gây hủy hoại môi trường sinh thái, anh đã dừng việc kích điện bắt giun.
Đồng chí Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, nhờ có sự phối hợp “ngày tuần tra, đêm trông giữ” của nhân dân và chính quyền địa phương mà tình trạng kích điện bắt giun tại xã đã chấm dứt. Các lò sơ chế giun trên địa bàn cũng được tuyên truyền, nhắc nhở đồng thời ký cam kết chấm dứt hoạt động và không tái phạm.
Trở lại xã Xuân Vân (Yên Sơn), địa phương từng là điểm “nóng” của vấn nạn kích điện bắt giun đất. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra, rà soát ngăn chặn hành vi kích giun trái phép gồm các đồng chí là Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, công chức xã, Trưởng thôn để tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hủy hoại môi trường đất theo quy định của pháp luật. Qua rà soát, toàn xã có 40 hộ dân tham gia kích diệt, chế biến giun. Xã đã mời các hộ lên trụ sở để tuyên truyền và ký cam kết dừng ngay hành vi tận diệt giun. Đã có 15 hộ ký cam kết, chủ động giao nộp bộ kích, máy chế biến.
Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân chia sẻ, sau nhiều đợt ra quân, tuyên truyền quyết liệt, tình hình kích giun tại địa phương đã được kiểm soát, tình trạng người dân địa phương tham gia kích điện để bắt giun đất đã được ngăn chặn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số hộ dân tự nuôi giun trong vườn nhà để đánh bắt, sơ chế. Do chưa có chế tài xử lý, xử phạt để răn đe người vi phạm, nên việc xử lý triệt để tình trạng này là rất khó.
Hiện xã đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các thôn trên hệ thống loa truyền thanh của xã, họp thôn, mời các hộ dân tham gia đánh bắt, chế biến giun đất ký cam kết không thực hiện đánh bắt, chế biến. Đồng thời, lực lượng công an xã vận động các hộ giao nộp kích điện, dỡ bỏ lò sấy giun.
Các máy điện kích giun người dân xã Xuân Vân (Yên Sơn) tự nguyện giao nộp cho Công an xã Xuân Vân.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện tình trạng sử dụng thiết bị kích điện đánh bắt giun đất. Địa bàn huyện Sơn Dương cũng không ngoại lệ. Để ngăn chặn, đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thường xuyên tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý, ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 125 hộ/189 người tham gia kích diệt giun đất, tập trung nhiều nhất ở xã Minh Thanh, Trung Yên, Ninh Lai. Lực lượng chức năng thu giữ 102 máy kích giun, vận động hơn 15 hộ gia đình tháo dỡ lò sấy giun và ký cam kết không tái diễn. Đến nay, tình trạng kích điện bắt giun đất trên địa bàn huyện đã được ngăn chặn.
Đồng chí Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cùng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia đánh bắt và thu mua giun bằng nhiều hình thức. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái phép. Hướng dẫn các hộ tự bảo vệ đất của mình. Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn…
Hủy hoại môi trường là vậy nhưng việc kích điện bắt giun đất lại chưa có chế tài xử lý, xử phạt cụ thể. Hiện cơ quan Công an chỉ có thể tịch thu công cụ, lập biên bản không tái phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên cho biết, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, quy định cụ thể nào làm căn cứ cho việc quản lý, xử lý hoạt động kích điện bắt giun đất dẫn đến khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý; việc tiến hành lập biên bản thu giữ, tạm giữ các thiết bị kích điện cũng chưa được quy định cụ thể dẫn đến vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Xét về tính chất và mức độ nguy hiểm, sử dụng kích điện kích giun đất là hành vi sử dụng thiết bị phát điện có cường độ cao để phóng luồng điện xuống đất, khiến giun đất và các sinh vật khác trong đất bị tê liệt hoặc chết làm hủy hoại đất như môi trường, hậu quả của hành vi này là hủy hoại môi trường đất, vi phạm điều cấm của luật. Do đó, người có hành vi kích điện giun đất có thể sẽ bị xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất.
Cán bộ xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cùng người dân kiểm tra, đánh giá tác động của nạn kích giun đối với vườn cây ăn quả.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu đến 150 triệu đồng (tùy)thuộc vào diện tích đất bị hủy hoại) theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài mức xử phạt trên, người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Nhằm ngăn chặn tình trạng tái diễn kích bắt giun đất, nhất là thời điểm chuẩn bị bước sang vụ sản xuất mới, công văn của UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 4197/UBND-KT ngày 31/8/2023 về tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng bắt giun đất bằng thiết bị kích điện trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng theo dõi, nắm tình hình, chủ động triển khai các biện pháp công tác, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xử lý những vấn đề về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động đánh bắt, thu mua giun đất và các hoạt động có tính chất phá hoại nền kinh tế của tỉnh. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Nạn kích giun đất lại hoành hành từ đầu năm 2023, chủ yếu ở các địa phương tả ngạn bờ sông Lô thuộc huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo, quyết liệt ngăn chặn, nhưng tình trạng này lại xuất hiện ồ ạt ở một vài thời điểm khi thời tiết ẩm, mưa nhỏ, đất tơi xốp. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cần được thực hiện thường xuyên, liên tục; đồng thời lực lượng chức năng cũng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát nguồn cung và hoạt động mua bán các thiết bị kích điện, góp phần giải quyết dứt điểm vấn nạn này.
Gửi phản hồi
In bài viết