Ngân hàng đẩy mạnh cho vay xuất khẩu

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay xuất khẩu bằng việc triển khai các chương trình ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp này. Theo đại diện các ngân hàng, xuất khẩu là một trong những lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng thương mại chú trọng, nhất là trong thời điểm tác động của dịch Covid-19 vẫn còn lớn.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành xuất khẩu mũi nhọn, trọng điểm (nông, lâm, thủy, hải sản, cao su, dệt may…), các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc thế mạnh kinh tế địa phương, xuất khẩu vào thị trường mới, ngoài việc áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi, lãi suất cho vay bằng USD sẽ tiếp tục được giảm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay ưu đãi thông thường. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác, có cam kết bán lại nguồn ngoại tệ cho VietinBank, được giảm tối đa 1%/năm so với lãi suất ưu đãi thông thường.

Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) triển khai gói giải pháp Easy Trade dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tài trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi từ 2,9%/năm với USD và 5,7%/năm với VND, tài trợ vốn không tài sản bảo đảm đến 200 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, doanh nghiệp có thể mua nguyên vật liệu sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn của đối tác. Phó Tổng Giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp MSB Nguyễn Tiến Đức cho biết, thời gian qua, ngân hàng luôn ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Cùng với các giải pháp tài chính thông minh, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp, thông qua Easy Trade, MSB mong muốn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này giải pháp thuận ích nhất, tối ưu chi phí nhất, bảo đảm các hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn để vững vàng đón nhận những cơ hội giao thương quốc tế đang tới.

Còn theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) Hàn Ngọc Vũ, thời gian tới, VIB sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tài trợ thương mại, nâng cao năng lực phục vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch. Ngoài hỗ trợ về nguồn vốn, các nhà băng cũng tích cực ra mắt nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Như Ngân hàng HSBC Việt Nam, sau khi triển khai thí điểm thành công hai giao dịch Tín dụng thư (LC) trên nền tảng blockchain đầu tiên tại Việt Nam, HSBC đã thương mại hóa giải pháp này từ tháng 3-2022, giúp giảm thời gian xử lý giao dịch LC từ 14 ngày xuống chỉ còn 8 giờ.

Theo các chuyên gia, các hoạt động tài trợ thương mại của ngân hàng dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng mạnh, thay đổi cả về “chất” và “lượng”. Các sản phẩm của ngân hàng đa dạng hơn, thủ tục cũng được số hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí. Nguồn tín dụng từ ngân hàng đã trở thành một trong những động lực tốt để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Các ngân hàng thương mại tiếp tục có những hoạt động tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ là cung ứng vốn mà còn nhiều sản phẩm dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục