Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đầu giờ chiều 7/9, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi biểu niêm yết về giá mua-bán ngoại tệ. Trong đó, giá bán ra đã tăng mạnh từ 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD, tăng 300 đồng. Giá mua vào hiện tạm để trống (trước đó niêm yết 22.550 đồng/USD).
Quyết định tăng mạnh giá bán ngoại tệ nói trên của Ngân hàng Nhà nước không bất ngờ, bởi thời gian gần đây một số tổ chức đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư đã dự báo trước việc điều chỉnh này.
Mức độ tăng và điểm đến mới nói trên là khá cao so với mức cũ nhưng không quá lớn so với thực tế biến động trên thị trường thời gian gần đây.
Như vậy, trong 5 tháng qua, đây là lần tăng giá bán USD thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, hồi tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD chiều bán thêm 200 đồng lên 23.250 đồng/USD. Tiếp đến đầu tháng 7, cơ quan đứng đầu ngành ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tỷ giá này lên 23.400 đồng/USD.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay. Theo Chứng khoán BSC, hiện dự trữ ngoại hối còn khoảng 97,7 tỷ USD. Con số này giảm đáng kể so với mức kỷ lục 110 tỷ USD từng đạt được.
Trên thực tế, tỷ giá sau thời gian diễn biến ổn định đã bắt đầu tăng nóng trở lại vào tuần cuối tháng 8 và những phiên giao dịch đầu tháng 9. Chỉ trong 3 phiên gần đây (5-7/9), giá mua-bán USD tại Vietcombank đã tăng 120 đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh tăng 100-150 đồng. Theo đó, so với đầu năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng 3,5%.
Hiện, giá mua và bán ra phổ biến tại các ngân hàng thương mại ở mức 23.430-23.740 đồng/USD.
Gửi phản hồi
In bài viết