Ảnh minh họa.
Trong báo cáo phân tích vĩ mô tháng 5 của WB mới đây, kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ nhờ chỉ số tăng trưởng vững chắc của sản xuất công nghiệp và sức bật từ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, với 10,4% và 22,6% so cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia của WB, mức tăng trưởng ấn tượng 54,7% trong tháng 5 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (mức cao nhất trong 12 tháng qua) là thành tố quan trọng góp phần thúc đẩy chỉ số công nghiệp, trong khi đó sự quay trở lại của du khách quốc tế đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, tín dụng cũng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 5 tăng 16,9% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tốc độ tăng trong vài tháng qua và cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5 điểm phần trăm. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình.
Các cấp có thẩm quyền đã chính thức ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có thời hạn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023. Hỗ trợ lãi suất nhắm đến một số ngành cụ thể, trong đó bao gồm những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch như vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, và du lịch. Biện pháp hỗ trợ này có tổng quy mô giới hạn ở mức 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD có hiệu lực đến cuối năm 2023.
Tuy nhiên, WB cũng ghi nhận một số tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam từ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.
Theo đó, xuất khẩu ghi nhận đà tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 18% trong tháng 5/2022 sau mức tăng 25,2% trong tháng 4/2022 (so với cùng kỳ năm trước). Còn xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng đi ngang với 14,6% trong tháng 5 so với 16,5% trong tháng 4.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng. Lạm phát CPI nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5 chủ yếu do giá xăng dầu tăng, khoảng 54,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước.
Để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, các chuyên gia của WB đề xuất Việt Nam cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá cả tăng. Bên cạnh đó, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư để giúp tăng tổng cung, thúc đẩy đầu tư sản xuất năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết