Nhiều hãng xe hơi trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao và thiếu hụt linh kiện. (Ảnh: Reuters)
Nghiên cứu cho biết, nếu các nhà sản xuất ô-tô không khẩn trương hành động, ngành công nghiệp này có nguy cơ đi quá xa so với mục tiêu nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2050 do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đặt ra.
“Điện khí hóa thôi không phải là giải pháp. Ngay cả khi mọi chiếc ô-tô được bán trên thế giới vào ngày mai đều là xe điện, thì chúng ta vẫn đang trên đà đi chệch xa mục tiêu” - Polestar và Rivian cho hay.
Đại diện các hãng này cũng cho biết, họ đã mời các nhà sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới tham dự một hội nghị bàn tròn để thảo luận các vấn đề liên quan.
Báo cáo Pathway đề xuất ba “đòn bẩy” để ngành công nghiệp ô-tô có cơ hội đạt được mục tiêu khí hậu nói trên vào năm 2050, gồm: ấn định thời điểm chấm dứt bán ô-tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường đầu tư nâng cao năng lực sản xuất xe điện; phát triển các hệ thống sạc pin xe điện thân thiện hơn với môi trường thông qua đầu tư vào các nguồn cung năng lượng tái tạo; và tập trung vào các chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Trong thập kỷ qua, các mục tiêu khí hậu luôn được các nhà sản xuất ô-tô ưu tiên hàng đầu khi khách hàng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tính bền vững. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và xung đột gần đây ở Ukraine khiến việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết, quan trọng.
Hãng xe hơi Volvo Cars của Thụy Điển là một trong số những nhà sản xuất ô-tô đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng, cam kết chuyển đổi hoàn toàn sang bán xe điện vào năm 2030. Đồng thời, công ty này cũng có kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình, nhằm trở thành một công ty trung hòa khí hậu vào năm 2040. Một số nhà sản xuất ô-tô khác cũng có mục tiêu tương tự.
Tuy nhiên, bất chấp quyết tâm thực hiện chuyển đổi của các nhà sản xuất ô-tô, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do tác động của các điều kiện địa chính trị và kinh tế vĩ mô, trong đó có chi phí cao hơn, thiếu hụt nguyên vật liệu và linh kiện, cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Rivian là một trong những công ty đang phải vật lộn với việc chi phí sản xuất tăng cao cũng như cạnh tranh gay gắt từ phía Tesla sau khi “gã khổng lồ” xe điện này liên tục giảm giá bán. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Rivian cho biết họ sẽ sa thải 6% nhân sự trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
Bên cạnh đó, các nhà cung ứng cho ngành công nghiệp ô-tô cũng đang phải chật vật ứng phó với các chi phí bổ sung để giúp các linh kiện của họ trở nên bền vững hơn nhằm đáp ứng tiêu chí bền vững mà các nhà sản xuất ô-tô đưa ra.
Gửi phản hồi
In bài viết