Theo báo cáo của UNWTO, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, lượng khách du lịch quốc tế ghi nhận trên toàn cầu tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, châu Âu đạt hiệu suất tương đối tốt với lượng khách quốc tế chỉ giảm 53% so với cùng kỳ của mùa hè năm 2019, là kết quả tốt nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Báo cáo cho biết: “Sự gia tăng nhu cầu được thúc đẩy bởi niềm tin của khách du lịch trong bối cảnh việc tiêm phủ vắc xin rộng khắp và những nới lỏng các hạn chế nhập cảnh ở nhiều điểm đến”.
Vào tháng 3-2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến hầu hết các quốc gia EU phải thực hiện phong tỏa và hạn chế đi lại. Thực tế này dẫn đến số khách du lịch lưu trú ở EU giảm 61% so với tháng 3-2019 và giảm đến 95% vào tháng 6-2020.
Theo Ủy ban châu Âu, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sử dụng Chứng chỉ Covid kỹ thuật số (thẻ cứng và ứng dụng trên điện thoại thông minh cấp cho người đáp ứng ít nhất 1 trong 3 yếu tố: Đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc Covid-19) đã cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn cho ngành Du lịch. Chứng chỉ này được EU đề xuất để người dân dễ dàng đi lại trong khối và tránh những chồng chéo về thủ tục giữa các quốc gia thành viên.
Sau khi 27 quốc gia thành viên đồng thuận, Chứng chỉ Covid kỹ thuật số của EU đã được áp dụng từ ngày 1-7-2021. Bảy nước đầu tiên (Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan) khi đó đã kết nối và bắt đầu cấp chứng chỉ đầu tiên cho người dân. Đến cuối tháng 8-2021, hơn 350 triệu Chứng chỉ Covid kỹ thuật số đã được cấp.
Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU Thierry Breton cho biết, 3 trong số 4 quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất về du lịch là những quốc gia đã đưa ra Chứng chỉ Covid kỹ thuật số sớm nhất. Theo thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Croatia, chỉ từ tháng 8-2021 đến nay, Croatia đã đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 24 triệu lượt khách lưu trú qua đêm. “Nhờ tiêu chuẩn hóa các quy trình du lịch trong khối EU, việc đi lại của du khách khá thuận lợi, bất chấp tình hình dịch tễ học ở từng quốc gia như thế nào”, Phát ngôn viên của Bộ Du lịch và Thể thao Croatia chia sẻ.
Dẫu vậy, UNWTO nhận định, mặc dù ngành Du lịch đã mang lại những tín hiệu tích cực, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để EU cứu vãn nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, ngành "công nghiệp không khói" của Lục địa già vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Việc triển khai tiêm vắc xin chậm ở Đông Âu và ở một số quốc gia tiềm năng có nguy cơ trì hoãn quá trình phục hồi và gây rủi ro kéo dài. Bên cạnh đó, lượng du khách Mỹ vẫn thấp hơn 90% so với thời điểm năm 2019, cùng với đó là sự vắng mặt của du khách Trung Quốc - hai thị trường mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành Du lịch của EU.
Hiệu quả của quá trình khôi phục hoạt động du lịch quốc tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên EU. Để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, EU cần thống nhất về quy trình du lịch an toàn, nhất là trong bối cảnh biến chủng mới Omicron của Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều khu vực trên thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết