Xây dựng sản phẩm mới
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với ngành Du lịch nhưng nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch, du lịch Việt Nam đã thích nghi với bối cảnh tình hình mới để duy trì hoạt động. Thế nhưng, những ngày đầu năm 2021, dịch Covid-19 lại bùng phát khiến hoạt động du lịch, dịch vụ dường như tê liệt.
Với một số doanh nghiệp, dịch Covid-19 là lúc nhìn lại để tìm hướng đi thích hợp trong bối cảnh mới. Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng: “Để thích ứng với dịch Covid-19, cần tiếp tục tập trung kích cầu thị trường khách nội địa với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, song song với việc bảo đảm an toàn cho du khách. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới như: Sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh... Đây là dòng sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế vào năm ngoái. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thể thao, giải trí cũng trở nên phổ biến hơn do nhu cầu rèn luyện sức khỏe của du khách ngày càng tăng. Một xu hướng đang “lên ngôi” khác là du lịch thông minh với các trải nghiệm đa dạng bằng công nghệ số, thực tế ảo... khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cũng đề cập tới những xu hướng du lịch mới, ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết, để thích nghi với tình hình mới, đơn vị này đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm trong điều kiện của mình. Từ năm 2019, Vườn quốc gia Ba Vì đã xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: Bay khinh khí cầu ngắm hoa dã quỳ, Du lịch trải nghiệm đi xuyên rừng bằng thiết bị định vị và Dã ngoại khám phá thiên nhiên cho học sinh, sinh viên. “Các hoạt động này đã và đang được triển khai có hiệu quả, được các nhóm khách thanh niên, thiếu niên quan tâm. Hoạt động này bước đầu đã đáp ứng mục tiêu du lịch và giáo dục môi trường”, ông Quân chia sẻ.
Đẩy mạnh kích cầu bằng nhiều giải pháp
Dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch thay đổi quan niệm, xu hướng, cách tiếp cận và phương thức hoạt động. Để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Thủ đô đã đưa ra những kế hoạch, định hướng phát triển trong năm 2021. Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Sở sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy thị trường du lịch nội địa trên cơ sở theo dõi tình hình dịch Covid-19, chuẩn bị các điều kiện đón khách du lịch quốc tế khi thời cơ cho phép nhằm khôi phục hoạt động của du lịch Thủ đô sau ảnh hưởng của đại dịch.
Để đạt được những mục tiêu trên, song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở sẽ xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa như: Nhóm sản phẩm du lịch di sản; nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp); nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Nội; sản phẩm dành cho người Hà Nội tại các khách sạn 4 - 5 sao và chuỗi sự kiện du lịch thường niên như Lễ hội kích cầu du lịch nội địa, Lễ hội du lịch làng nghề phố nghề Hà Nội, Lễ hội hoa Anh đào...
Cùng với đó, Sở cũng duy trì các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua chương trình hợp tác với kênh truyền hình CNN, chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên CPTA. Ngoài ra, Sở cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đón khách quốc tế trong dịp tổ chức SEA Games 31.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, Sở Du lịch Hà Nội cũng chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền quảng bá như: Sản xuất video clip, poster card về du lịch Hà Nội an toàn; quảng bá các gói kích cầu du lịch nội địa tại Sân bay quốc tế Nội Bài, quầy hỗ trợ Thông tin du lịch, các điểm đến...; thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc xây dựng ứng dụng quảng bá du lịch Thủ đô; số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360o, công nghệ thực tế ảo...
Gửi phản hồi
In bài viết