Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là các ngành trọng yếu phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang trở nên ngày càng khó khăn trong việc tuyển sinh...
Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Phenikaa.
Thực trạng đáng báo động
Tại buổi tọa đàm “Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ” do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức gần đây tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Số liệu đăng ký tuyển sinh đại học trong 2-3 năm gần đây cho thấy, số người đăng ký ngành khoa học giảm rõ rệt. “Mỗi năm giảm 3% số các em đăng ký ngành khoa học kỹ thuật. Điều đó cho thấy số lượng giới trẻ quan tâm ngành này ngày càng giảm đi. Khi đội ngũ khoa học kỹ thuật giảm, chất lượng sẽ giảm đi. Như thế, việc đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ "Về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" sẽ bấu víu vào ai?” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng trăn trở.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019), việc số sinh viên dự tuyển vào các ngành khoa học cơ bản ở các đại học xuống thấp một cách đáng lo ngại, kèm theo đó là chất lượng đầu vào và điểm tuyển cũng xuống dốc theo đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Thậm chí thống kê còn cho thấy, chỉ 1-2% số sinh viên Việt Nam theo học các ngành khoa học cơ bản, trong khi đó tỷ lệ tương ứng ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng xóm gần chúng ta như Malaysia, Thái Lan, Singapore… đều cỡ 6-7% hoặc hơn.
Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BKFund đánh giá, việc nghiên cứu khoa học công nghệ vô cùng quan trọng đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện, tài sản trí tuệ đang nằm ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Việt Nam nhưng nếu không có các "bệ đỡ" để sinh viên tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, để những tài năng trong trường học không được phát huy sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng cho rằng: “Xu thế là các bạn trẻ hiện nay không muốn vào khoa học bởi làm khoa học thật sự rất khó và vất vả nhưng thu nhập không bằng nhiều ngành nghề khác”. Đó là lý do các lĩnh vực khoa học và công nghệ đang đứng trước thách thức về nhân lực bổ sung.
Cần xây dựng chính sách có hiệu quả
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng nhận định, đang có những luồng quan niệm của xã hội rằng, các ngành như vật liệu, luyện kim, môi trường, dệt may... là những ngành khó học, khó tìm việc, vất vả. Tâm lý đám đông làm cho các em sinh viên có xu hướng chọn những ngành nghề “hot” hơn. Bên cạnh đó, nhiều học sinh có xu hướng lựa chọn ban xã hội để “thi dễ hơn, học dễ hơn”. Như vậy, sẽ dẫn đến câu chuyện trong tương lai, chúng ta không có nguồn nhân lực tốt làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Trước thực trạng này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Chính chỉ rõ: “Có thể thấy, hệ thống chính sách của chúng ta đang có vấn đề. Sinh viên chọn ngành theo nhu cầu thực tế của thị trường: Đầu ra và thu nhập. Học ngành cơ bản đã khó nhưng học xong và tốt nghiệp lại khó xin việc, thu nhập thấp thì còn ai muốn học, dù có năng lực và yêu thích khoa học đi chăng nữa? Nhà nước cần đóng vai trò điều phối ở đây”.
Theo các chuyên gia, việc phát triển nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam chỉ có thể thực sự khởi sắc nếu có được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố sau: Có sự chung tay trợ lực về nguồn tài chính của Nhà nước và các doanh nghiệp hàng đầu; có cơ chế tự chủ, mở và mềm dẻo hơn cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc hợp tác, đào tạo, chuyển giao; có sự năng động, tương thích với thời cuộc, có hướng phát triển chiến lược và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng của các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong việc tuyển sinh và định hướng ngành nghề đào tạo; nhanh chóng tận dụng những thành quả của công nghệ, chuyển đổi số để đào tạo, nghiên cứu, lưu trữ, bảo tồn và truyền tải các chương trình, dữ liệu. Đặc biệt, công tác hướng nghiệp và truyền thông cần phải làm tốt hơn ở các bậc phổ thông. Học sinh cần tìm hiểu rộng hơn về những ngành nghề trọng yếu của xã hội, giúp người học có những sự lựa chọn bền vững hơn cho tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết