Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã đến lúc cần thực hiện chuyển đổi số tạo ra giá trị để phục vụ người dân, doanh nghiệp… Do vậy, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 năm nay là "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Các nền tảng, dữ liệu tạo ra giá trị
Giới thiệu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách tham quan tại phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TH
Dữ liệu có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số vì chuyển đổi số. Nhận thức được xu hướng này, Chính phủ và các bộ, ngành đã đầu tư, xây dựng một loạt nền tảng cơ bản. Trước tiên phải kể đến Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) hiện đã đạt hơn 1,47 tỷ giao dịch, kể từ khi khai trương (ngày 30-10-2020).
Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử cũng đã hình thành, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo hiểm, hộ tịch điện tử toàn quốc; đất đai; đăng ký doanh nghiệp; tài chính; cán bộ, công chức, viên chức...
Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị, bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Nguồn dữ liệu này đã tiếp nhận 1.196.888 triệu yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; trên 536 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân.
Cũng phải nói thêm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đóng vai trò quan trọng giúp các ngành, lĩnh vực định danh số khách hàng, góp phần làm lành mạnh thị trường.
Về các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, có thể kể đến Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6.300 thủ tục hành chính.
Cổng có hơn 9,7 triệu tài khoản; hơn 243 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 22,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 15,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.739 nghìn tỷ đồng, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Các dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp toàn trình trên mạng, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Có thể kể đến là dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông của Bộ Công an; dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh do Bộ Tài chính cung cấp.
Cũng theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tốp các ứng dụng Việt Nam được tải về thiết bị nhiều nhất là mạng xã hội Zalo, nền tảng VNeID và các ứng dụng thanh toán số (MB Bank, Viettel Pay, Ví MoMo, Vietcombank).
Đó là còn chưa kể đến các nền tảng, dữ liệu được các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, qua đó làm giàu dữ liệu và tạo ra các giá trị mới. Tiêu biểu là các doanh nghiệp công nghệ số VNPT, Viettel, Bkav, MISA, Giao hàng tiết kiệm, Rạng Đông,...
Cùng với đó là những doanh nghiệp công nghệ số tiên phong mở đường đưa sản phẩm, nền tảng số ra thị trường nước ngoài, như: Viettel, FPT, Rikkeisoft.
Người dân là trung tâm chuyển đổi số
Tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, UBND thành phố đã giao các đơn vị tổ chức triển khai nhiều hoạt động trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, phải kể đến sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết ngày 8-10, sau 2 ngày triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, 10 ngân hàng và tổ chức tài chính đã tư vấn cho 6.185 khách, mở tài khoản cho 4.534 khách hàng; 808 khách hàng đã trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng trong ngày 10-10, UBND huyện Mê Linh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị “Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số thành phố Hà Nội” và phát động “Thi đua nước rút hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023”. Tại sự kiện, các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn cam kết, đồng hành chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh.
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số đã mang tính toàn dân và toàn diện. Gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.
Đặc biệt, ngành Thông tin và Truyền thông đang triển khai 4 trợ lý ảo (gồm lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và hỗ trợ pháp lý cho người dân).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Điều đó có nghĩa cần tiếp tục tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới và thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Trong thời gian tới, cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số cần tiếp tục hoàn thiện, để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững và mang lại giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, dữ liệu được tạo lập thông qua xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu và kết nối các hạ tầng số tập trung để khai thác, chia sẻ dữ liệu… để dữ liệu thực sự là nguồn tài nguyên, càng khai thác càng đem lại nhiều giá trị.
Gửi phản hồi
In bài viết