Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Nơi để yêu thương, nơi để trở về

- “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” là chủ đề kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay. Đây là ngày cả nước ta cùng tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống về trân quý, giữ gìn mái ấm gia đình. Bởi “ai cũng có thể có rất nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một chốn bình an để quay về, chính là gia đình”.

Cách UBND xã Lang Quán (Yên Sơn) chừng 6 km gia đình bà Bế Thị Tồn, thôn 18 có 3 thế hệ cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Gia đình bà đã vinh dự được UBND tỉnh tuyên dương gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2017 - 2022.

Bà Tồn nguyên là Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Lang Quán. Nay đã về hưu bà được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Vừa công việc xã hội, công việc gia đình, bà vẫn làm tròn vai, chăm sóc chu toàn gia đình khiến bao người nể phục. Bà có hơn 40 năm làm dâu, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Bà còn yêu thương, chăm sóc cho chị chồng bị tâm thần hơn 10 năm nay.

Vợ chồng cụ Mã Văn Thịnh và Nông Thị Vinh (dân tộc Tày) thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) sống vui vầy hạnh phúc bên con cháu.

Vợ chồng bà sinh được 4 người con học hành đến nơi đến chốn, các con đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Hiện 2 vợ chồng bà sống cùng gia đình con trai út và 2 cháu nội. Gia đình bà lúc nào cũng rộn vang tiếng cười, ấm áp chan hòa. Chia sẻ bí quyết “giữ lửa”, bà Tồn bảo, đó chính là sự chân thành, thương yêu chia sẻ và bao dung cho nhau. Mình sống thế nào để con cháu mình hiểu, dù có nhiều sóng gió, va vấp giữa đường đời thì gia đình luôn là số 1, luôn là duy nhất. Bởi cuộc sống gia đình như “lửa thử vàng” vậy!

Xây dựng xã hội hạnh phúc, đất nước thịnh vượng phải được bắt đầu từ mỗi thành viên trong gia đình. Quan điểm mỗi gia đình giữ lửa yêu thương có thể khác nhau nhưng chung quy lại đều là sự sẻ chia, tôn trọng, giúp đỡ, bên nhau lúc vui buồn. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ có xu hướng muốn sống riêng, nhưng không ít gia đình vẫn lựa chọn sống chung với ông bà, bố mẹ.

Gia đình anh Nông Văn Hoàng, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) là gia đình “tứ đại đồng đường”. Chia sẻ về việc giữ gìn hòa khí, sự ấm áp trong gia đình, anh Hoàng nói rằng: “Đó chính là sự tôn trọng, có trên dưới, con kính trọng cha mẹ, cháu kính trọng ông bà, vợ chồng tôn trọng nhau. Ai cũng phải là một tấm gương sáng để mọi người học hỏi, kính trọng quý mến. Con cháu cũng noi theo gương đó để gìn giữ “Đạo nhà”, cùng bảo ban nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, học tập thành đạt”.
Đồng chí Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ: Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hóa trong gia đình; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng khu dân cư 3 không... Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng trong nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm toàn tỉnh có trên 92% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Đây chính là nền tảng tạo nên một xã hội hạnh phúc; một đất nước thịnh vượng, phát triển.

Trải qua biết bao thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Đó là giá trị truyền thống lấy đạo hiếu, nhân ái làm đầu. Để mỗi gia đình là hạt nhân tốt của xã hội thì mỗi thành viên trong mỗi gia đình phải luôn có trách nhiệm giữ gìn hạnh phúc, vun đắp tình yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau ngay trong cuộc sống mỗi ngày.                      

 Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục