Dinh dưỡng có trong thực phẩm đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần của mỗi người. Một chế độ dinh dưỡng bất hợp lý không đem lại lợi ích cho sức khỏe mà còn làm gia tăng việc mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, gout… Theo bác sỹ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, tùy thuộc vào lứa tuổi cũng như tình trạng sức khỏe mà mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, một chế độ ăn lành mạnh, cân đối cần có đầy đủ các nhóm chất bao gồm ngũ cốc, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ. Đối với trẻ nhỏ, cần bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng theo quy định như Vitamin A, D, E, K, các chất khoáng như kẽm, sắt, iod, canxi… để trẻ phát triển mạnh khỏe và toàn diện.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tư vấn dinh dưỡng cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 9, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nói, vì gia đình có nhiều thế hệ với nhiều độ tuổi khác nhau nên mỗi bữa ăn hàng ngày của chị sẽ chuẩn bị nhiều món ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm dưỡng chất. Đặc biệt, hàng tuần chị đều lựa chọn cá trong ít nhất 3 bữa ăn bởi Protein trong cá dễ hấp thu, tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch.
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, việc luyện tập thường xuyên giúp tăng cường trao đổi chất, tăng sức đề kháng, kiểm soát cân nặng, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi… Bà Bàn Thị Hợp, 48 tuổi, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tâm sự, trước đây bà ít tập luyện thể dục thể thao nên cơ thể thường xuyên đau nhức. Từ khi Câu lạc bộ bóng chuyền hơi của thôn thành lập, buổi chiều hàng ngày bà đều đến nhà văn hóa thôn để tham gia. Đến nay, sức khỏe bà đã cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, trong quá trình luyện tập, vui chơi bà con trong thôn còn chia sẻ, tâm sự những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, giúp giải tỏa căng thẳng, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm.
Hiện nay, bên cạnh việc dạy văn hóa, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa bộ môn giáo dục thể chất vào chương trình học chính khóa. Bên cạnh đó, thường xuyên duy trì hoạt động thể dục giữa giờ cùng nhiều phong trào thể dục thể thao ngoại khóa khác như tổ chức các giải bóng đá, cầu lông, bóng rổ, rèn luyện võ thuật, dạy bơi miễn phí… Các hoạt động giúp các em học sinh nâng cao ý thức rèn luyện cơ thể, phát triển thể chất gắn với phong trào “Khỏe để học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong trường học. Em Phùng Thị Ánh Ngọc, lớp 9A, trường THCS Ỷ La (TP Tuyên Quang) nói, trong suốt 4 năm học tại trường, em cùng các bạn đã được học nhiều bộ môn để rèn luyện sức khỏe như thể dục nhịp điệu, cầu lông, đá cầu, chạy nhanh, chạy bền… Đối với em, mỗi tiết học thể dục giúp cơ thể được vận động, tinh thần được giải tỏa, tạo điều kiện để tiếp thu kiến thức tốt hơn trong những giờ học tiếp theo.
Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật, mỗi cá nhân phải tự xây dựng chế độ ăn uống, rèn luyện kết hợp với việc nghỉ ngơi hợp lý. Từ đó sẽ tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, trí tuệ đáp ứng cho việc học tập và làm việc mỗi ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết