Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lâm Quang Chư vừa tròn 18 tuổi xung phong nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Quân đoàn 3 làm nhiệm vụ trên mặt trận Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng, đơn vị tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu đánh đuổi quân Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam. Cuối năm 1977, trong trận giải phóng khu Đảo Xanh - biên giới Tây Nam, ông bị thương phải tháo khớp 3 ngón bàn chân trái và 3 mảnh cối bắn vào người. Hơn 1 năm điều trị, dưỡng thương tại các viện điều dưỡng, tháng 5-1979, ông được nghỉ chế độ về quê.
Trở về với thương tật 55%, cơ thể nhiễm chất độc da cam, nhưng bằng ý chí của người lính, ông đã quyết tâm vươn lên, vừa nỗ lực tập luyện, vừa tìm hướng thoát nghèo. Ngoài thời gian làm thủ kho Hợp tác xã, ông tích cực cùng vợ nuôi lợn, trồng rau, cấy lúa. Thời điểm cao nhất gia đình ông nuôi 10 con lợn nái, bình quân mỗi năm xuất bán hằng trăm con lợn giống cùng vài tấn lợn thịt. Khi lợn rớt giá, ông bàn với vợ con chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ vận tải, cung cấp lợn giống... Từ một gia đình nghèo, đến nay gia đình ông Chư đã có của ăn của để, trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Không chỉ cần cù trong lao động, ông Chư còn tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện ông đang giữ nhiều chức vụ ở thôn, xã, như: Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Chi hội trưởng CCB thôn, Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã... Ở cương vị nào, ông đều nỗ lực, nêu cao tinh thần, trách nhiệm vì việc chung, lo cho dân, đồng đội, nhất là các phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thôn Nhân Thọ 2 không còn hội viên CCB nghèo. Hằng năm, vào các ngày lễ, tết, ngày truyền thống, ông đều phối hợp với UBND xã, tổ chức Hội làm tốt công tác nghĩa tình, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã.
CCB Lâm Quang Chư chia sẻ: Dù bị thương tật nhưng bản thân ông đã may mắn còn được sống. Do đó, trong các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa ở địa phương ông đều cố gắng làm thật tốt. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông luôn làm theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, nỗ lực vươn lên, chiến thắng tất cả các mặt trận.
Gửi phản hồi
In bài viết